Đôi bên đã cùng ký vào bản thanh lý hợp đồng để Lee Nguyễn tập trung chữa trị nốt chấn thương, đồng thời B.BD cũng không còn ràng buộc nào với cựu tuyển thủ Mỹ này nữa. Nhưng sẽ là phiến diện nếu từ sự kiện này, người ta cho rằng các VĐV Việt kiều khó có thể tìm được chỗ đứng trong làng thể thao Việt...
Lee Nguyễn trong màu áo Becamex Bình Dương
Bóng đá: Cánh cửa vẫn mở rộng...
Cách nay 7 năm, cả làng bóng Việt Nam xôn xao với việc cầu thủ Ludovic Casset, người Pháp, mang trên mình một phần dòng máu Việt vốn sở trường ở vị trí trung vệ xin về nước thử sức cùng ĐTQG trong quá trình chuẩn bị cho Tiger Cup 2004. Ngay lập tức, sự kiện gây chú ý của công luận, báo chí đón Ludovic từ sân bay hoặc Trung tâm HLTTQG. Họ chăm chú dõi theo từng động tác của anh trong buổi tập đầu tiên và vây lấy HLV trưởng Tavares ngay sau đó để ghi nhận đánh giá của ông thầy người Brazil... Bản tính hiền hòa, đầy nỗ lực trong tập luyện, Ludovic đã cho thấy khát khao thật sự được đóng góp trong màu áo đội tuyển - quê hương của bà ngoại anh. Hiềm một nỗi, tuy thể hình tốt, được đào tạo khá bài bản, như Ludovic lại thiếu đi sự nhanh nhẹn và tinh quái cần thiết ở vị trí trung vệ.
Bị HLV Tavares khước từ. Nhưng cơ hội thứ hai đã lập tức đến với chàng trai gốc Việt: Chơi bóng cho Đà Nẵng dưới cái tên Việt là Mã Trí. Rất tiếc rằng sau đó, Mã Trí vẫn không thể đảm bảo được một vị trí chính thức ở đội bóng sông Hàn, để rồi đôi bên đành nói lời chia tay sau 2 năm (trong phần lớn thời gian ấy, Mã Trí chỉ ngồi trên băng ghế dự bị).
Những ai quan tâm tới nguồn cầu thủ gốc Việt hồi hương hẳn đều còn xem năm 2008 để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ. Đầu tiên chính là sự kiện cựu tuyển thủ bóng đá Mỹ - Lee Nguyễn - về nước ký hợp đồng thi đấu cho HA.GL vào cuối năm ấy. Dù Lee mới chỉ 1 lần xuất hiện trong trận giao hữu giữa tuyển Mỹ và Trung Quốc vào năm 2007, nhưng theo quy định của FIFA, anh vẫn không thể chơi cho một ĐTQG nào khác. Bởi vậy mà riêng trong trường hợp Lee Nguyễn, giới hâm mộ chỉ mong anh sẽ tỏa sáng tại đấu trường V.League trong tư cách một cầu thủ nội thay vì có thể khoác áo ĐTVN tại AFF Cup 2008. Tuy nhiên, bởi những trục trặc thủ tục mà Lee Nguyễn đã không thể chơi bóng với tư cách nội binh (vị trí mà anh đương nhiên sẽ được trọng dụng). Ở thế chẳng đặng đừng, chàng cầu thủ SN 1986 này đành cạnh tranh vị trí với các ngoại binh của CLB, và dĩ nhiên là Lee dần dần rơi vào thế "hạ phong", nhất là khi xui xẻo dính những chấn thương liên miên đồng thời lại vấp phải mâu thuẫn với một số cầu thủ khác trong đội (bởi sự khác biệt trong cách ứng xử).
Sau hơn 1 năm chơi bóng cho HA.GL, Lee Nguyễn quyết định thay đổi môi trường, tìm đến với B.BD. Thực ra, không phải lãnh đạo CLB này không hình dung được những phức tạp tiềm ẩn bên trong, nhưng họ vẫn hy vọng Lee Nguyễn có thể mau chóng được nhập tịch Việt Nam để chơi bóng như một cầu thủ nội. Rút cuộc, chuyện chẳng thành và Lee Nguyễn thường xuyên ngồi trên băng ghế dự bị vì đá trùng vị trí với Leandro, ngoại binh Brazil có trình độ cao hơn anh cho đến khi đôi bên thanh lý hợp đồng!
Cuối năm 2008, VFF còn đón nhật một loạt thông tin từ các đối tác (nhiệt tình nhất là CLB Sao Đỏ - gồm toàn các Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Đức), qua đó giới thiệu 10 cầu thủ gốc Việt lứa tuổi U.23 về nước thử sức cùng đội U.20 và Olympic QG với hy vọng sẽ tìm ra thêm một số nhân tố nổi bật cho đội U.23 dự SEA Games 25 (2009). Đáng chú ý nhất trong số ấy là anh em Patrick và Emil Lê Giang. Patrick SN 1992 chơi ở vị trí thủ môn, còn Emil SN 1991 sở trường tiền đạo, đều từng khoác áo đội tuyển trẻ U.17 của Slovakia. Tuy nhiên không biết vì lý do gì mà sau đó anh em nhà Lê Giang đã không về VN nữa. Trong danh sách giới thiệu, cũng chỉ có 1 cầu thủ là Ngô Tuấn Anh về nước "thử chân" trong cùng đội HN.ACB... Có vẻ như họ vẫn đang chờ một môi trường và điều kiện thuận lợi hơn để có thể về nước thi đấu và tìm kiếm cơ hội?
Một khi V.League đang ngày càng "nóng" hơn thì cơ hội về nước chơi bóng cho một CLB nào đó ở sân chơi này (trước khi tiến tới khả năng được góp mặt ở ĐTVN) đối với các cầu thủ Việt kiều đương nhiên càng rộng mở. Bởi vậy, Lee Nguyễn có thể không may mắn tại B.BD, nhưng với trình độ của anh, chỉ cần hồi phục chấn thương (và có thêm quốc tịch VN thì quá lý tưởng), vẫn còn không ít đội bóng quốc nội thèm muốn!
Các môn thể thao khác: Một nguồn tài năng không thể bỏ qua
Ngót 10 năm về trước, khi mới 17 tuổi, tay vợt Việt kiều Huỳnh Mai Huỳnh (Mỹ) đã được xem là một nhân tố mới đầy triển vọng khi về nước thắng một loạt 3 giải quần vợt quốc tế diễn ra tại TP HCM, vượt qua cả đàn chị nổi tiếng Kim Trang. Tuy nhiên, tới SEA Games 22 năm 2003, Mai Huỳnh đã trở thành VĐV Việt kiều đầu tiên khoác áo ĐTVN tại đấu trường quốc tế (là nhân tố quan trọng nhất giúp ĐT nữ VN giành HCĐ tại kỳ giải ấy). Chính nhờ cái nền tảng đào tạo chính quy và chuyên nghiệp, Mai Huỳnh đã giữ phong độ cao trong một thời gian dài và tới nay vẫn đang nằm trong nhóm những nữ VĐV mạnh nhất trong nước.
Ở môn điền kinh, năm 2009, nữ VĐV Vanina Nguyen - tức Nguyễn Hoài Vân Anh, Bulgaria - từng được hy vọng sẽ sớm được khoác áo ĐTQG, trở thành đồng đội của "nữ hoàng" Vũ Thị Hương ở tổ cự ly ngắn (thành tích của Vân Anh thường xuyên đạt dưới 11 giây 60, không thua bao nhiêu so với Vũ Thị Hương). Rất đáng tiếc vì những vưóng mắc thủ tục (đặc biệt là quy định của LĐ điền kinh quốc tế), do đang thuộc quyền quản lý chuyên môn của LĐ điền kinh Bulgaria (Vân Anh là VĐV thuộc đội tuyển trẻ nước này) nên cô đã không thể góp mặt cùng ĐTVN trong thời gian qua.
VĐV thể dục nghệ thuật Linda Trương
Một tên tuổi rất đáng chú ý khác là Linda Trương, tức Trương Mai Nhật Linh, năm nay 15 tuổi, VĐV thể dục nghệ thuật người Ukraine gốc Việt. Năm 2009, Linh về nước dự giải VĐQG khi chưa đầy 13 tuổi và xuất sắc vượt qua tất cả mọi đối thủ, giành tới 5 HCV, đoạt ngôi vô địch toàn năng đơn nữ và đem về ngôi đầu toàn quốc cho đoàn Hà Nội. Cô bé Nhật Linh ngay sau đó được gọi vào ĐTQG, rồi tiếp tục tỏa sáng tại giải quốc tế Kiev (Ukraine), tiếc rằng do chưa đủ 15 tuổi, nên dù đạt điểm số rất cao nhưng cô vẫn không được trao huy chương.
Vì nhiều lý do, hoàn cảnh, hàng triệu người Việt Nam đã tạm xa Tổ quốc, sinh sống, làm việc và học tập tại nước ngoài. Các thế hệ con cháu của họ sau này, rất nhiều người là những tài năng thể thao, và bởi được đào tạo, thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp nên họ có thể đạt trình độ cao không thua kém gì các tuyển thủ trong nước. Tại sao chúng ta lại không thể tin rằng đây sẽ là một trong những nguồn tài năng vô cùng quý giá cho thể thao VN trong xu hướng hồi hương của rất đông Việt kiều khắp thế giới nhỉ?
PL&XH