Mỹ thống trị ở môn bơi lội, Trung Quốc “nuốt trọn” nhảy cầu còn Nga “càn quét” môn bơi nghệ thuật.
Kết thúc giải VĐTG các môn thể thao dưới nước 2009 tổ chức tại Rome, Mỹ và Trung Quốc mỗi nước chỉ đoạt được 11 HCV. Nhưng khi kết thúc giải năm nay, Mỹ có 17 HCV và Trung Quốc 15 HCV còn Nga tái lập thành tích 8 HCV. Trong khi đó tổng số HCV của giải không đổi. Do đó dễ dàng thấy được Mỹ và Trung Quốc đã “lấy đi” của các đoàn khác 10 HCV.
Cô gái 16 tuổi Melissa Franklin về nhất cự ly 200 m ngửa nữ - Ảnh: Getty Images
Và quả nhiên như vậy, các đoàn khác đã sụt giảm thành tích đáng kể, Anh, Ý từ 4 HCV giờ chỉ còn 3 HCV; cường quốc bơi lội Úc tiếp tục xuống phong độ, từ 4 HCV giờ chỉ còn 2 HCV; nhưng có lẽ “thê thảm” nhất là đoàn Đức từ 7 HCV xuống chỉ còn 1 HCV. Số đoàn đoạt HCV so với giải năm 2009 là vẫn giữ nguyên, 19 quốc gia.
Sự thống trị của của ba cường quốc không chỉ về số lượng HCV mà còn ở việc họ tạo ra được sự độc tôn ở các nội dung. Nga tái lập thành tích đoạt tất cả 7 HCV bơi nghệ thuật. Trong khi đó Trung Quốc lần đầu tiên vét sạch 10 HCV môn nhảy cầu cùng nhiều HCB, HCĐ và kèm theo đó là 5 HCV bơi lội. Trước đó thành tích tốt nhất của Trung Quốc ở môn nhảy cầu chỉ là đoạt 7/10 HCV vào năm 2009.
Phelps về nhất cự ly 100m bướm - Ảnh: Reuters
Đội bơi Mỹ, dù Phelps mất phong độ nhưng đã kịp nổi lên Ryan Lochte, Rebecca Soni hay kình ngư trẻ Melissa Franklin với biệt danh “Missile” (tên lửa) đã đoạt 17/47 HCV bơi lội. Trong số này nhiều VĐV của họ đã đoạt nhiều hơn 2 HCV như Ryan Locte 5 HCV, Michael Phelps 4 HCV, Franklin 3 HCV, Soni 3 HCV...
Và dĩ nhiên danh hiệu kình ngư nam - nữ hay nhất giải đã thuộc về đoàn Mỹ với chiến thắng không ngoài dự đoán cho Ryan Lochte và Rebecca Soni.
Tuổi trẻ Online