Cuộc đối đầu của Ngô Văn Kiều (6 - Sanest Khánh Hòa) với chủ công Wanchai (4 - Thái Lan) luôn hấp dẫn- Ảnh: Dương Minh
Trong đó, rõ nét nhất là dấu ấn của các tay đánh người Thái Lan. Chẳng hạn, một Patcharee có lối đánh tài trí thông minh không chỉ giúp đội Ngân Hàng Công Thương trở thành một thế lực ở giải nữ, mà còn giúp các cầu thủ nội nâng cao kỹ năng chơi bóng. Ngoài Patcharee, những tuyển thủ Thái Lan đã có mặt ở các CLB trong nước như Pyamas, Onuma, Vilawan, Narumon, Malika, Ampor, Saymai, Jutarat... đều chơi xuất sắc và đem đến nhiều bài học cho các tay đánh VN. Ngoài ra, họ còn giúp kéo được người xem đến sân.
Vì vậy, việc ngoại binh thi đấu ở các giải đấu của bóng chuyền VN là điều hợp lẽ. Vấn đề chỉ là cho phép họ như thế nào mà thôi. Quy chế của Liên đoàn Bóng chuyền VN hiện nay cho phép mỗi CLB ở hạng đội mạnh đăng ký ba ngoại binh và một người thi đấu trên sân. Việc chỉ có một so với sáu cầu thủ thi đấu trên sân là phù hợp.
Điều này giúp ngoại binh không lấy hết suất của nội binh mà còn là sự bổ sung và là chỗ dựa cho đồng đội. Việc CLB hạng nhất Grup Samator (Indonesia) thuê tay đánh Ngô Văn Kiều (Sanest Khánh Hòa) thi đấu khi tham dự giải châu Á đã được Liên đoàn Bóng chuyền châu Á đánh giá là nhân tố tích cực.
Tuy nhiên việc thuê ngoại binh không đồng nghĩa với việc lơ là công tác đào tạo và càng không phải cái cớ để một số người có tiền chơi ngông. Thực tế cho thấy đã xuất hiện tâm lý vung tiền mua ngoại binh với giá cao để thi đấu cho CLB của mình.
Do đó, thuê ngoại binh có chừng mực và bài bản là việc cần ủng hộ. Hơn nữa, chúng ta cần thuê cả HLV ngoại có tầm cỡ để giúp đội tuyển nâng cao chất lượng thi đấu. Xa hơn họ sẽ giúp nâng chất HLV nội qua các lớp tập huấn.
Không sính ngoại mù quáng song cũng không bài ngoại - đây là quyết sách của bóng chuyền VN hiện nay.
Tuổi trẻ Online