Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: Internet
Giải đấu giống như màn chào hỏi cho kỳ Olympic cũng sẽ diễn ra ở đây sau 1 năm nữa. Với tư cách là hạt giống số 7, cũng giống như nhiều giải đấu quốc tế lớn khác, thách thức thực sự với Tiến Minh không hề là những vòng đấu đầu tiên. Theo đó, trong trận mở màn vào ngày mai, phía bên kia lưới chỉ là cây vợt đang xếp hạng 71 thế giới người Israel Misha Zilberman.
Chưa từng đối đầu, nhưng có lẽ với khoảng cách khá xa trên bảng xếp hạng thế giới thì việc Tiến Minh tiến đi tiếp không là quá khó. Theo nhánh thi đấu, nếu vào đến vòng 2, cây vợt Việt Nam sẽ gặp người thắng của cặp Kashyap Parupalli (Ấn Độ - hạng 28 thế giới) - Dieter Domke (Đức - hạng 85 thế giới).
Với cây vợt Đức, Tiến Minh chưa từng gặp, còn Kashyap không hề xa lạ khi có 1 trận thắng (Giải Mỹ mở rộng 2011) và 2 thua (Singapore mở rộng 2010 và vô địch châu Á 2009). Tuy nhiên, đó cũng không phải là những cửa ải lớn nếu Tiến Minh thi đấu đúng với phong độ và cũng như thế khi theo nhánh đấu, ở vòng 3, đối thủ lớn nhất cũng chỉ là hạt giống số 10 Boonsak Ponsana (Thái Lan).
Nếu tiến vào tứ kết, thách thức thực sự mới đến khi nhiều khả năng Tiến Minh sẽ đối mặt cùng Peter Hoeg Gade (Đan Mạch), cây vợt số 2 thế giới, cây vợt mà kể từ năm 2005 đến nay, trong 6 lần từng đối mặt, tuyển thủ Việt Nam chưa hề có nổi chiến thắng.
Vậy thì đâu là mục tiêu thực sự của Tiến Minh tại giải đấu quốc tế thứ 18 mà anh đã tham dự kể từ đầu năm đến nay mà chưa có nổi 1 danh hiệu vô địch? Vượt qua vòng tứ kết, bán kết... điều đó luôn gắn liền với kỳ tích, mà quả thật với đẳng cấp hiện tại, dù rất nhiều mong muốn, nhưng khó có thể tái lặp giống như trận thắng trước số 1 thế giới Lee Chong Wei (Malaysia) vào năm 2009. Có lẽ, vào đến tứ kết để đứng trong tốp 8 cây vợt nam hàng đầu thế giới cùng 6.600 điểm thưởng cũng đã là thành công lớn. Và quan trọng hơn là Tiến Minh cần phải tiếp tục duy trì vị trí trong Top 10 để chắc suất trở lại London vào năm sau nữa.
Báo Thể thao TPHCM