Những ngày này, tại Nhà Thi đấu thể thao tỉnh đang diễn ra Giải vô địch bóng rổ nam, nữ toàn quốc năm 2011. Giải đấu năm nay quy tụ 11 đội bóng (8 đội nam, 3 đội nữ) đến từ các đơn vị, câu lạc bộ, tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đội bóng thi đấu 2 vòng theo thể thức vòng tròn tính điểm (đội nam thi đấu 1 lượt, đội nữ thi đấu 2 lượt) xếp hạng nhất, nhì, ba và sẽ tiếp tục tranh tài ở vòng 2 (diễn ra vào tháng 9 tại Nha Trang) để xác định đội vô địch.
Tuy là giải đấu mang tầm quốc gia, song trên khán đài không có nhiều khán giả đến cổ vũ cho các đội bóng.
Đây được coi là giải đấu có chất lượng chuyên môn cao và hứa hẹn nhiều trận đấu hấp dẫn. Bởi, hầu hết các đội tham dự giải đều là các đội bóng mạnh và không ít đội bóng đã nhiều năm liền góp mặt tại giải đấu quốc gia như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Phòng không – Không quân, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, có một điểm đáng buồn, tuy đây là giải đấu quốc gia nhưng khán giả đến xem và cổ vũ cho các đội bóng trên khán đài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, dù các đội bóng có thi đấu sôi nổi, quyết liệt và hay đến mức nào thì việc thiếu vắng khán giả đến cổ vũ đã làm cho giải trở nên buồn tẻ. Vậy, nguyên nhân do đâu mà một giải đấu mang tầm quốc gia lại không thể thu hút khán giả đến xem khi mà họ không phải mất tiền mua vé? Đã có nhiều ý kiến cho rằng, bộ môn bóng rổ ở Khánh Hòa chưa thật sự phát triển mạnh như các tỉnh thành khác nên người dân không mấy quan tâm. Thêm vào đó, giải đấu này chỉ là cuộc cạnh tranh của các đội bóng tỉnh bạn mà không có sự góp mặt của đội chủ nhà nên khó thu hút khán giả. Đó có thể là nguyên nhân khách quan, song không vì thế để vin vào nhằm che đậy sự yếu kém trong công tác tổ chức.
Còn nhớ năm ngoái, trong khuôn khổ giải vô địch bóng rổ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (diễn ra tại Nha Trang), giải đấu cũng chỉ là sự cạnh tranh của các đội bóng đến từ tỉnh khác, song mỗi trận đấu có khoảng hơn một trăm khán giả đến cổ vũ cho các đội bóng, làm cho không khí của giải đấu trở nên sôi nổi hẳn. Nhưng ở giải đấu lần này, số lượng khán giả đến xem chỉ rải rác vài chục người và thậm chí thua cả một giải đấu mang tính phong trào như giải bóng đá Futsal được tổ chức tại tỉnh. Mới đây, chúng tôi có dịp đến TP. Thái Nguyên để “mục sở thị” Giải vô địch bóng chuyền PV Oil 2011 và điều chúng tôi ghi nhận tại giải đấu này chính là công tác tổ chức ở đây được làm rất tốt. Tuy không có đội chủ nhà Thái Nguyên tranh tài tại giải, song từ khắp các nẻo đường của TP. Thái Nguyên, đâu đâu cũng có các băng rôn, pa-nô quảng bá, giới thiệu cho người dân địa phương biết về giải đấu, và do đó đã thu hút được lượng khán giả đến cổ vũ đông nghịt. Thậm chí, khi đến xem các đội thi đấu, khán giả còn phải bỏ tiền túi mua vé vào cổng với giá 20 nghìn đồng/người, nhưng tại các trận đấu, trên khán đài lúc nào cũng có khoảng trên dưới nghìn người đến cổ vũ. Còn các giải đấu quốc gia khác được tổ chức tại Nha Trang như Giải vô địch Judo (diễn ra vào tháng 3-2011), hay giải vô địch bóng rổ lần này, ngoài chiếc băng rôn được treo phía trước Nhà Thi đấu, dường như người dân địa phương, đặc biệt những người yêu thích các bộ môn thể thao này tỏ ra khá mù mờ với những diễn biến của giải.
Thiết nghĩ, thời gian tới, tại các giải đấu thể thao mang tầm quốc gia do Khánh Hòa đăng cai tổ chức, Ban tổ chức giải cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm giới thiệu giải đấu một cách thường xuyên và kịp thời đến đông đảo người dân địa phương. Điều này một mặt để các giải đấu diễn ra theo đúng tầm của nó, mặt khác là cơ hội để những người yêu thích những bộ môn thể thao này được thưởng thức, học hỏi, từ đó kích thích, thúc đẩy sự phát triển phong trào thể thao của tỉnh.
Báo Khánh Hòa