Nhắc lại chuyện 6 năm trước, Trang đoạt HCV tại SEA Games 2005 ở Philippines trong lúc vai phải của cô vẫn còn bắt 8 đinh ốc do bị té trong một buổi tập, cô gái An Giang rùng mình nói: “Hồi đó còn trẻ nên liều thật, cứ nghĩ mình sẽ góp sức cho xe đạp VN hoàn thành mục tiêu, nên chấp nhận mạo hiểm”.
Thùy Trang vượt qua bệnh tật để giành chiến thắng - Ảnh: Khả Hòa
Đó là câu chuyện mà phóng viên các nước trong khu vực Đông Nam Á khi phỏng vấn Trang phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, bởi họ không thể tin một cô gái với bả vai đau ê ẩm vì gãy xương cách đó không lâu lại dám liều mình đua nội dung xe đạp đổ đèo trong một kỳ SEA Games gay cấn. Đó là chưa kể, đến trước khi SEA Games diễn ra, Trang đã bị gia đình ngăn cấm không được đua khi cô được các bác sĩ ở Viện Tim Trung ương chẩn đoán hở van tim. Thế nhưng, với bản tính mạnh mẽ, Trang đã thuyết phục gia đình cho cô tiếp tục, bởi Trang không thể chấm dứt khi đã quá mê cảm giác mạnh mà môn xe đạp đổ đèo đem lại.
Tại giải xe đạp Truyền hình An Giang 2011 vừa kết thúc vào ngày 16.7, câu chuyện về cô gái Thùy Trang quả cảm lại tiếp tục, khi cô vượt qua các VĐV của đội tuyển xe đạp quốc gia Hàn Quốc để đoạt áo vàng chung cuộc lúc vừa rời bệnh viện chưa đầy một tháng (Trang nhập viện để điều trị gai cột sống, thận ứ nước và bệnh viêm xoang mũi). Tuy thường xuyên đối mặt với bệnh tật, nhất là xương vai phải cứ đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi, hay mỗi lúc tập nặng, Trang vẫn luôn nỗ lực hết mình để không phải sớm từ giã đường đua.
Sinh năm 1982, đã gần 13 năm gắn bó với xe đạp, cống hiến và hy sinh nhiều để đổi lại những tấm huy chương châu Á và khu vực cho xe đạp VN, nhưng những ước mơ nhỏ nhất của riêng mình đến nay cô vẫn chưa đạt được. Khi tôi hỏi sao bây giờ mà Trang vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp lớp 12, Thùy Trang cười buồn: “Hồi năm 2001, lúc đội tuyển xe đạp An Giang thiếu VĐV địa hình, tôi đã đồng ý chuyển từ nội dung đường trường sang đua địa hình. Rồi được gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia, suốt ngày tập luyện trong núi, nên không tài nào thu xếp thời gian để học được. Đến bây giờ, dù sắp bước sang tuổi 30, nhưng tôi quyết phải lấy được bằng tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc, rồi có thể học tiếp Đại học TDTT, bởi nếu chưa học xong lớp 12, sau này nghỉ đua không biết sẽ làm được việc gì để lo cho bản thân”. Giọng Trang đượm buồn khi cô nhắc đến chế độ đãi ngộ cho VĐV thể thao có thành tích của tỉnh nhà. Trong suốt nhiều năm qua, Trang luôn được những người có trách nhiệm ở An Giang hứa sẽ cho mua một nền đất giá rẻ, như một sự tưởng thưởng cho cống hiến của cô, nhưng đến bây giờ vẫn chỉ là lời hứa.
Là VĐV lãnh lương cao nhất đội xe đạp nữ An Giang, nhưng số tiền hằng tháng mà Trang lãnh được cũng chỉ giúp cô đủ trang trải cuộc sống thường nhật, chứ không thể tính chuyện xa hơn, nên Trang vẫn chưa nghĩ đến chuyện hạnh phúc của mình. Hơn nữa, xe đạp là môn thể thao quá khắc nghiệt, những VĐV nữ như Trang trân mình giữa mưa nắng, tập luyện từ ngày này đến tháng nọ, nên chẳng ai ngó ngàng đến nhan sắc của mình. Đó cũng là một trong những lý do mà Trang nói đến khi cho biết cô sẽ không trở thành HLV: “Tôi rất muốn trở thành HLV xe đạp khi kết thúc nghiệp VĐV, nhưng quả thật, tôi không thể cầm lòng khi nhìn những em gái lại ngày ngày chịu khổ nhọc như cuộc đời mà mình đã đi qua”.
TNO