Từng là môn thể thao được đông đảo người hâm mộ yêu thích, bẵng gần 8 năm gián đoạn để củng cố công tác tổ chức trên bình diện quốc gia rồi gần một thập kỷ phát triển trở lại (từ tháng 4/2002), quyền Anh Việt Nam đã có những bước tiến khả quan trên võ đài quốc tế, mở ra những kỳ vọng mới trên bước đường tiếp cận đấu trường Olympic. Tuy nhiên để biến khả năng trở thành hiện thực lại không hề đơn giản. Ngoài sự đầu tư của ngành thể thao, quyền Anh nước nhà rất cần một tổ chức quy củ giúp các võ sĩ Việt Nam tỏa sáng trên võ đài quốc tế.
KỲ 1: TIỀM NĂNG TỪ TRUYỀN THỐNG
Quyền Anh du nhập vào nước ta theo bước chân của người Pháp vào giữa thập niên 20 thế kỷ trước, sau đó tỏa dần trong giới thanh niên bản xứ. Ở Sài Gòn, môn này đã “nổi đình nổi đám” trong thập niên 40 - 60 với những nhà VĐ Đông Dương như Minh Cảnh, Kid Dempsey... ở các giải hữu nghị với Philippines, Thái Lan, Đại Hàn, Lào... và nhất là những lần góp mặt tại SEA Games, tạo nên phong trào tập luyện quyền Anh khá bài bản... Sau đó, tuy liên tục xuất hiện trong VCK Olympic Seoul 1988 và các kỳ SEA Games hồi thập niên 90, thành tích của các võ sĩ vẫn còn hạn chế (với 5 HCĐ sau 3 kỳ SEA Games của các tay đấm Đặng Hiếu Hân, Nguyễn Như Cường, Huỳnh Viết Khánh...). Những năm đầu thập niên 90, quyền Anh là môn thể thao được ưu thích nhất sau bóng đá. Các trận “đả lôi đài” ở sân Tinh Võ, Phú Nhuận, Thủ Đức, NTĐ Nguyễn Du hay ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định luôn đầy ắp khán giả. Đang phát triển thuận lợi thì hàng loạt sự cố mất an ninh tại một số giải quyền Anh trong năm 1994 tại TPHCM và Hải Phòng khiến lãnh đạo ngành thể thao quyết định tạm ngưng hoạt động luyện tập và thi đấu quyền Anh trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ đầu năm 1995.
Gần một thập kỷ phát triển trở lại (4/2002), quyền Anh Việt Nam đã tạo được một bước ngoặt mới trên võ đài thế giới khi lần đầu tiên có được tấm HCV và 2 HCB tại Giải quyền Anh trẻ và thiếu niên thế giới vừa diễn ra tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 4/2011 vừa qua. Đây được xem là thành tích cao nhất của quyền Anh VN nói chung và quyền Anh nữ Việt Nam tại đấu trường quốc tế trong suốt lịch sử phát triển của bộ môn này. Sự kiện nói trên mở ra cho quyền Anh VN một tương lai sáng hơn, và giới mộ điệu phấp phỏng chờ tin các võ sĩ VN sẽ mang về tấm HCV đầu tiên trong lịch sử tại SEA Games 26 - mục tiêu mà suốt từ SEA Games 22 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Mục tiêu tiếp theo là giành suất đến Olympic London 2012.
Trên thực tế, những nhà hoạch định chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam (TTVN) cũng đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của quyền Anh khi trong dự thảo chiến lược phát triển TTVN từ năm 2010 đến 2020, môn quyền Anh nữ là một trong 10 môn trọng điểm loại 1, được đầu tư đặc biệt.
Tuy nhiên để đạt được một đẳng cấp nhất định và bền vững, quyền Anh Việt Nam còn nhiều việc phải làm trong thời gian sớm nhất. Dự án thành lập Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam - một tổ chức xã hội cực kỳ quan trọng với môn thể thao này sau hơn nửa thập kỷ vẫn chỉ nằm dưới dạng kế hoạch. Trong khi kinh phí của ngành thể thao dành cho quyền Anh chỉ ở mức hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư thêm cho các vó sĩ triển vọng nhằm nâng cao kỹ, chiến thuật hoàn toàn là con số không tròn trĩnh. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi quyền Anh VN từng có nhiều võ sĩ trẻ lên tới đỉnh của các sân chơi châu lục và quốc tế (Nguyễn Minh Hiếu và Nguyễn Văn An từng giành HCV trẻ châu Á 2004 và 2007; Ngô Thị Phương lên ngôi vô địch tại Asain Indoor Games 3/2009) nhưng cho đến nay những cái tên ấy đã nhạt nhòa, thậm chí mất hút trên bảng thành tích của làng đấm bốc nghiệp dư quốc tế.
Báo TT TP.HCM