Mới đây Tổng cục TDTT đã quyết định thành lập ban chỉ đạo SEA Games 26 để rà soát lại những công việc cuối cùng. Theo đó, ngay khi nước chủ nhà Indonesia gút lại SEA Games 26 sẽ có 44 môn cùng 542 bộ huy chương thì đoàn TTVN đã quyết định chính thức dự thi khoảng 30 môn. Cùng với đó là một số môn đi theo diện xã hội hóa. Mục tiêu phấn đấu của TTVN như lời thừa nhận của ông Lâm Quang Thành, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games sắp tới là phấn đấu đạt 70 HCV trở lên và nằm trong “top đầu” của khu vực.
Ở đây, có thể hiểu là top 3 nhưng cũng có thể hiểu rằng đã có sự điều chỉnh mục tiêu, không cụ thể nằm trong top 3 như những kỳ SEA Games trước mà chỉ đề ra chỉ tiêu chung chung. Vấn đề top đầu là top nào đang là câu hỏi đánh đố người hâm mộ lẫn cấp quản lý sau khi đã tốn rất nhiều tiền đầu tư trong suốt 2 năm qua. So với kỳ SEA Games 25, số lượng VĐV Việt Nam dự kiến tham dự đông hơn hẳn, khoảng 600 VĐV so với trên 400 VĐV của SEA Games trước. Tuy nhiên, tỷ lệ môn tham dự lại ít hơn hẳn.
Nước chủ nhà Indo cắt bỏ 5 hạng cân pencak silat mà Việt Nam không có đối thủ
Cụ thể, tại SEA Games 25, TTVN tham dự 24/25 môn, trừ môn bóng nước. Trong đó có đến 19/24 môn là có khả năng đoạt HCV, chiếm tỷ lệ gần 80%. Còn tại SEA Games 26 lần này, TTVN chỉ tham dự 2/3 tổng số môn thi, đã thế chỉ có khoảng 24/31 có khả năng đoạt HCV, tỷ lệ chỉ khoảng 77%. Từ SEA Games 22 trên sân nhà đến nay, TTVN luôn duy trì được một vị trí trong top 3 tại các kỳ SEA Games sau đó, nhưng điều này sẽ không dễ dàng được tái lập ở SEA Games năm nay.
Nhiều nỗi lo
Nỗi lo lớn nhất đã được thể hiện phần nào là nước chủ nhà Indonesia đã cắt nhiều nội dung thế mạnh ở các môn của TTVN. Ở môn võ pencak silat, sau khi để Việt Nam liên tục vượt qua đứng đầu thế giới, Indonesia đã điều chỉnh lại nội dung. Theo đó, họ đã cắt 5 hạng cân mà Việt Nam không có đối thủ là 50kg nữ, 75kg nữ, 80kg nam, 85kg nam và 95kg nam. Việc bỏ nội dung thi đấu này không tuân theo một quy tắc nào mà đơn giản Indonesia thấy cạnh tranh không nổi nên cắt bỏ. Đáng chú ý, đây là những nội dung đã đem về 4/6 HCV của pencak silat Việt Nam tại SEA Games 25.
Bên cạnh đó, 2 nội dung thế mạnh của xe đạp Việt Nam là đổ đèo và băng đồng cũng không được tham dự, cũng như một số nội dung thế mạnh ở môn bắn súng. Rất may trên bàn đàm phán, TTVN đã vớt vát được phần nào khi thuyết phục được nước chủ nhà Indonesia bỏ nội dung bắn súng quân dụng (Việt Nam gần như không có cửa tranh huy chương), cũng như đưa thêm nội dung carom 3 băng ở môn billiard, 2 nội dung ở môn aerobic, 2 nội dung ở môn rowing cũng như 4 nội dung ở môn bi sắt…
Nỗi lo thứ hai là việc các VĐV chưa được tăng chế độ tiền ăn, nâng cao chế độ dinh dưỡng. Mặc dù từ ngày 1/9, hầu hết các đội tuyển đều bước vào giai đoạn 2 của kỳ tập trung có vai trò cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến thành tích chung của TTVN. Mức ăn hiện tại dù đã nâng lên từ ngày 1/6 với 200.000 đồng/người/ngày xem ra khó có thể đáp ứng được hết so với nhu cầu của các VĐV. “Có thực mới vực được đạo”. Thế nên, việc điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng, ưu đãi cũng như cung cấp thuốc bổ cần phải được làm sớm để các VĐV có thể an tâm tập luyện, cống hiến.
Cũng cần phải nói đến nỗi lo về chấn thương của các tuyển thủ mà trường hợp của nữ hoàng Kata- Nguyễn Hoàng Ngân ở môn karatedo không thể tham dự SEA Games sắp tới do chấn thương không thể hồi phục là chuyện rất đáng tiếc. Chỉ mới đầu tháng 9 mà Bệnh viện thể thao Việt Nam đã khám, chữa trị cho khoảng 20 ca chấn thương các loại. Chắc chắn, con số này sẽ không dừng lại ở đây. Đối với một số môn xã hội hóa mà thể thao Việt Nam đưa quân tham dự mới như trượt patin, leo tường, dù lượn, lướt ván hay bowling…thì chúng ta gần như mù tịt thông tin về các địa điểm thi đấu. Đối với những môn này yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công là phải “làm quen” với địa hình, môi trường thi đấu, mà điều này gần như không thể thực hiện được tại thời điểm hiện tại.
Dẫu sao với việc duy trì thành tích ổn định tại 4 kỳ SEA Games gần đây cùng với khâu chuẩn bị kỹ càng, đông đảo các VĐV tham gia, hy vọng TTVN sẽ hoàn thành chỉ tiêu nằm trong top đầu của khu vực tại SEA Games sắp tới.
Tổng kinh phí mà đoàn TTVN dự SEA Games là khoảng 700.000 USD dành cho hơn 600 VĐV, hơn 200 cán bộ, HLV. Trong thời gian thi đấu tại SEA Games mỗi VĐV sẽ được hưởng chế độ 50 USD/ngày. SEA Games 26 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 22-11 tại 2 địa điểm chính của Indonesia là thủ đô Jakarta và thành phố Palembang với 44 môn thi đấu, 542 bộ huy chương, cụ thể: - Tại Jakarta: Bắn cung, Cầu lông, Bóng rổ, Bowling, Canoeing, Xe đạp, Đua thuyền rồng, Đua ngựa, Golf, Đấu kiếm, Judo, Bóng đá, Futsal, Karatedo, Kempo, Dù lượn, Pencak Silat, Đua thuyền, Bóng bàn, Taekwondo, Vovinam, Wushu. - Tại Palembang: Điền kinh, các môn Thể thao dưới nước (Nhảy cầu, Bơi, Bơi nghệ thuật, Bóng nước), Bóng chày, quyền Anh, Đánh bài, Lặn, Bóng đá, thể dục (TD dụng cụ, TD nghệ thuật, Aerobic), Bi sắt, Ba tanh, Cầu mây, Bóng mềm, Bắn súng, Bóng chuyền (trong nhà và bãi biển), Leo tường, Water ski. Thành tích cụ thể của đoàn TTVN trong các kỳ SEA Games gần đây
SEA Games 22 (2003): 156 HCV - 91 HCB - 93 HCĐ, xếp hạng 1 |
Zing.vn