Tuy nhiên, dựa theo phát hiện và khai quật của các nhà khảo cổ Trung Quốc thì bài thuốc được cho là “Viagra thời cổ đại” đầu tiên lại vô cùng đơn giản, giống như cuộc sống của con người thời đó vậy. Bài thuốc này được khắc trong những ngôi mộ đời Hán với cái tên “Dưỡng sinh phương” và thành phần dược liệu chủ yếu là chim sẻ non, gà con và trứng của hai loài này.
Xuân dược từ triều đại phong kiến Trung Quốc đầu tiên
Các hoàng đế Trung Hoa xưa đều có nhiều phi tần với nghĩa vụ “ban ân mưa móc” để tạo dòng “thánh chủng”. Vì vậy, các đế vương từ thời cổ đại đều đã lo lắng không biết làm cách nào để lấy cái “yếu” của một nam chọi với cái “mạnh” của nhiều nữ. Có lẽ chính vì sự lo lắng đó, họ buộc phải nhờ tới bàn tay ma thuật của các bậc thầy về thuật ngự nữ (đại ý dùng âm bổ cho dương), xuân dược hay thuốc tráng dương. Các bậc thầy có thể là nam hoặc nữ nhưng đều gọi là “đế sư”, tức thầy của Hoàng đế. Trong sách “Thập vấn” (10 điều để hỏi) chép trên thẻ tre được các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật ở khu mộ nhà Hán thì Hoàng đế thường hỏi “đế sư” về các thuật làm thế nào để kéo dài quá trình giao hoan, làm sao để người nữ đạt đến cao trào và để bản thân không bị suy kiệt vì phải “lâm trận” quá nhiều...
Một trong những người được cho là “đế sư” tài giỏi về chuyện nâng cao đời sống phòng the của Hoàng đế Trung Hoa là Đại Thành Tử - nhân vật xuất hiện trong rất nhiều các truyền thuyết dân gian. Theo truyền thuyết kể lại thì Đại Thành Tử là người thời nhà Hạ với vị vua đầu tiên là Hạ Vũ (thường được gọi là Đại Vũ). Vua Hạ Vũ nổi tiếng với việc chống lũ và xác lập chế độ cha truyền con nối ngai vàng để thành lập triều đại phong kiến đầu tiên của Trung Quốc. Từ đây, các nhà sử học đánh giá việc chăm sóc sức khỏe đối với vị Hoàng đế này là vô cùng quan trọng. Nếu dựa theo các truyền thuyết truyền miệng của người dân Trung Hoa thì suy đoán của các nhà sử học cũng có những cơ sở nhất định. Vì muốn xác lập dòng dõi uy quyền cho gia đình mình, sau khi lên ngôi, Hạ Vũ đã tích cực thu nạp thê thiếp để “sinh càng nhiều con càng tốt”. Nhà vua cũng tích cực tìm kiếm các bậc thầy trong thuật phòng trung để khả năng chăn gối và sinh sản của mình một thêm mạnh mẽ.
Hậu cung của các hoàng đế Trung Hoa xưa đều có rất nhiều phi tần. Ảnh minh họa.
Nói về “đế sư” Đại Thành Tử, dù chưa có tài liệu nào xác thực nhân vật này có tồn tại trong lịch sử hay không nhưng trong những câu chuyện về triều đại nhà Hạ và các bài thuốc được cho là “Viagra thời cổ đại” thì nhân vật này luôn xuất hiện. Tương truyền, ông đã giới thiệu cho Hoàng đế những loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe, chống lão hóa như bá tử nhân (nhân của hạt tùng), sữa bò… và đặc biệt là các bài thuốc bổ thận, tráng dương, giúp tăng cường tần suất giao hoan từ chim sẻ non, gà con và trứng chim, trứng gà… Nhờ sự giúp đỡ của “đế sư”, Hạ Vũ trở thành một trong những vị vua khỏe mạnh nhất trong lịch sử với thời gian cai trị nhà Hạ lên tới 45 năm. Dựa theo những câu chuyện dân gian lưu truyền này, các nhà sử học cho rằng, bài thuốc của Đại Thành Tử tương ứng với bài thuốc “Dưỡng sinh phương” được khắc trong các di chỉ khai quật được từ khu mộ cổ đời Hán với nội dung: “Vào mùa xuân, dùng chim sẻ non, gà con băm viên tráng chung với trứng chim, trứng gà, viên thành hoàn nhỏ, ăn nhiều rất tốt cho khả năng chăn gối của nam giới”. Như vậy, có thể suy đoán, đây chính là loại xuân dược lâu đời nhất khi xuất hiện ở triều đại phong kiến Trung Quốc đầu tiên.
Tác dụng thần kỳ của chim sẻ
Trong các thành phần của bài xuân dược cổ nhất trên thì chim sẻ đã được y học cổ truyền công nhận là một vị thuốc bổ thận, tráng dương hiệu quả. Theo các sách dược thiện cổ, chim sẻ nướng là một trong những món ngự dụng (món ăn của vua chúa) nhằm tăng cường chức năng sinh lý. Sách “Bản thảo thập di” viết: “Thịt chim sẻ có khả năng “bổ thận tráng dương, ích tinh tủy”. Sách “Thực vật bản thảo hội” thì cho rằng thịt chim sẻ có công năng nâng cao khả năng tình dục, giúp người ta có con, tráng dương ích khí, bồi bổ cho người già...
Hai danh y nổi tiếng của Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng đã đề cập tới tác dụng của chim sẻ đối với phái mạnh trong các tài liệu y thuật để lại. Theo đó, trong “Nam dược thần hiệu”, danh y Tuệ Tĩnh ghi: “Chim sẻ vị ngọt, tính ấm, không độc, thêm tinh tủy, tráng dương ích khí, mạnh lưng gối, chỉ bạch đới, băng huyết, khiến cho có con…”. Còn Hải Thượng Lãn Ông thì viết trong “Lĩnh Nam bản thảo”: “Chim sẻ ngọt ấm, không độc, bồi tinh tủy; mạnh dương, bổ khí, khỏe gối lưng; trừ đới, khỏi băng, khiến hay đẻ”. Ngoài thịt thì các thành phần khác của chim sẻ như tiết, trứng cũng được cho là có lợi cho khả năng chăn gối của nam giới.
Ngoài chim sẻ thì chưa có tài liệu nào chứng minh các thành phần khác của bài thuốc “Dưỡng sinh phương” là gà con, trứng gà, trứng chim có liên quan tới “chuyện ấy”. Đây chỉ là những thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Ths. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các thành phần loại xuân dược trên thì chỉ có chim sẻ là có trong danh sách những vị thuốc bổ thận, tráng dương của y học cổ truyền. Trong khi, những vị lại thì chỉ có giá trị dinh dưỡng thuần túy. “Chim sẻ tên khoa học là Passer monlanus malaccensis Dubois, còn gọi là ma tước, tước điểu..., là một trong những vị thuốc có công dụng tăng cường khả năng sinh lý cho phái mạnh được sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bổ thận, tráng dương tốt nhất, cổ nhân thường phối hợp dùng chim sẻ với một số vị thuốc và chế biến thành những món ăn - bài thuốc. Những người thể chất thiên về âm hư, hoặc mắc các chứng bệnh rối loạn tình dục thuộc thể âm hư hỏa vượng như người gầy, nóng trong, mặt đỏ, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực rạo rực không yên, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, đổ mồ hôi trộm, miệng khô, họng khát, hay hoa mắt, chóng mặt, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ… thì không nên ăn thịt chim sẻ”, Ths. Toàn cho biết.
Chim sẻ là loài rất phổ biến ở Việt Nam và cũng đang được các quý ông săn lùng để tăng cường bản lĩnh phòng the. Các món ăn, bài thuốc từ loài chim này cũng rất phong phú. Theo các tài liệu y học cổ truyền thì có thể dùng chim sẻ làm bài thuốc chữa liệt dương, thiếu máu, hoa mắt, hay choáng váng theo công thức: Chim sẻ 5 con, chim bồ câu non 1 con, đỗ trọng 120g, muối rang 4g, mật ong vừa đủ. Thịt chim cắt nhỏ, sấy khô giòn, tán bột mịn. Đỗ trọng sao tồn tính, tán nhỏ cùng với muối rang. Trộn đều các bột, luyện với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần, mỗi lần 15 viên với nước ấm. Một món ăn cũng được cho rằng rất hữu ích với nam giới bị chứng xuất tinh sớm là: Chim sẻ 5 con làm thịt, bỏ ruột, thái miếng, ninh nhừ với đông trùng hạ thảo 6g và gừng tươi 2 lát rồi ăn trong ngày. Hiện nay, nắm bắt được nhu cầu ăn lùng các loại “thần dược phòng the” của người dân, nhiều người đã “hô” biến vịt mới nở thành chim sẻ để bán tại các chợ, các tuyến đường quốc lộ. Các quý ông muốn có được công dụng của loài chim này thì nên tìm kiếm những chú chim sẻ đồng thực sự.
Thịt chim sẻ trong quý phẩm ngự dụng của vua Càn Long Trong loại thuốc trứ danh “Giáp linh tập” - quý phẩm ngự dụng của vua Càn Long cũng có thành phần thịt chim sẻ. Vua thường dùng loại thuốc này để bồi bổ cơ thể, lấy lại sinh khí những lúc mệt mỏi. Đây chính là một trong những bí quyết giúp vị hoàng đế này giữ được sự minh mẫn, tráng kiện tới tận năm hơn 80 tuổi khi xung quanh lúc nào cũng có một dàn mỹ nữ.
Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1793, Maccater, đặc phái viên của nữ hoàng Anh đã vượt đại châu đến Trung Hoa yết kiến vua Càn Long. Viên sứ thần này vô cùng kinh ngạc và sửng sốt khi gặp nhà vua. Ông đã ghi vào nhật ký công tác những dòng như sau: “Hoàng đế Càn Long oai phong lẫm liệt, tinh thần sung mãn, khiêm nhường, hiếu khách. Tính tình bình dị, gần gũi với mọi người. Có ai ngờ, một vị hoàng đế đã vào tuổi 83 mà lại vô cùng minh mẫn, tráng kiện. Thoạt trông chúng ta chỉ đoán ngài ở tuổi 60”. Về sau, vua Càn Long sống thọ đến 89 tuổi. |
Theo Gia đình & Xã hội