Valencia mới chỉ là lần thứ 4 trong lịch sử mà toàn bộ mọi chiếc xe trên đường đua đều về đến đích. Với 24 tay đua cán vạch, đó cũng là số lượng xe lớn nhất từng hoàn thành một cuộc đua. Kỷ lục này kéo theo một kỷ lục khác: Narain Karthikeyan của HRT có vinh dự được trở thành tay đua đầu tiên trong lịch sử cán đích ở vị trí thứ 24.
Chính sự ổn định công nghệ là yếu tố đã giúp Vettel tự tin để tạo ra sự khác biệt trong mùa này
Công nghệ tiến bộ nhanh...
Kỷ lục cũ, với số tay đua cán đích là 23, được lập trước đó chỉ 5 chặng đua, tại Chinese GP mùa này. Khi đó, Jaime Alguersuari là tay đua duy nhất không về được đến đích vì hỏng xe - chính xác hơn là bởi một bánh xe bị sút ra do đội ngũ kỹ thuật siết ốc không cẩn thận.
Kỷ lục ở Chinese GP đã phá vỡ kỷ lục cũ của mùa giải năm ngoái, khi 22 chiếc xe cán đích thành công ở chặng Brazilian GP. Kỷ lục ở Brazil là điều mà người ta chưa từng được chứng kiến trong suốt gần 60 năm: năm 1952, cũng đã có 22 tay đua hoàn thành được cuộc đua. Tuy nhiên vào thời đó, tay đua phải hoàn tất ít nhất 90% quãng đường mới được tính thành tích, so với con số 75% của ngày nay.
Những thống kê nói trên đã làm nổi bật sự ổn định đáng kinh ngạc của công nghệ F1 ngày nay. Điều này càng đáng kể hơn, khi có tới 3 đội đua mới toanh vừa chỉ tham gia F1 kể từ mùa giải năm ngoái và họ vừa mới phải vật lộn với một mùa giải đầy ác mộng bởi sự bất ổn của chiếc xe.
FIA đã tập trung vào sự ổn định của công nghệ, bằng cách đưa trực tiếp nó vào trong điều lệ. Các động cơ buộc phải trụ vững trong thời gian lâu hơn và những hình phạt nặng nề sẽ giáng xuống đội đua nào không thực hiện được điều đó. Các điều lệ khắt khe này bảo đảm rằng các đội đua và các nhà sản xuất sẽ phải nỗ lực hết mình để đạt tới sự ổn định, trong khi vẫn buộc phải duy trì các tiêu chuẩn an toàn. Sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ hóa dầu cũng góp phần không nhỏ giúp các đội đua giải quyết khó khăn ở hệ truyền động.
Ngày nay, các bộ cảm biến được gắn gần như kín mít trên mọi bộ phận của chiếc xe, giúp các đội đua theo dõi mọi thông số, từ áp suất lốp đến áp suất buồng đốt. Các cảm biến này giúp họ hiểu rõ hơn hoạt động của chiếc xe, đồng thời giúp họ sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu bất ổn trước khi chúng có tác động xấu đến khả năng vận hành của chiếc xe.
Nick Heidfeld đã từng thành danh khi đạt kỷ lục 41 cú cán đích thành công liên tiếp, kể từ chặng French GP năm 2007 đến Italian GP 2009. Sự ổn định đáng sợ của Ferrari cũng đã giúp Michael Schumacher giành điểm trong 24 chặng đua liên tiếp từ năm 2001 đến năm 2003.
... liệu có hoàn toàn tốt?
Thế nhưng, trong khi kỷ lục tại Valencia hồi tuần qua rõ ràng đã cho thấy tính “đỉnh cao” của công nghệ F1 thì vẫn có những ý kiến trái chiều.
Jarno Trulli của Lotus cho rằng điều này không có ích gì cho F1 và phàn nàn rằng “yếu tố con người đang ngày càng trở nên kém quan trọng”. Trulli giải thích rằng: “Trong khoảng 10 hoặc 15 năm trước đây, một tay đua luôn biết mình sẽ xuất phát cuộc đua nhưng không thể biết liệu mình có thể kết thúc nó hay không. Ngày nay, công nghệ đã quá ổn định và điều đó không còn quan trọng nữa. Anh ta cứ chạy và sẽ về đích. Tôi không còn nhớ được lần gần nhất một chiếc động cơ bị hỏng là vào lúc nào”.
Đúng là sự ổn định ở mức cao đã khiến F1 mất đi một số yếu tố bất ngờ, vốn từng khiến các cuộc đua trở nên hứng khởi và lôi cuốn hơn. Đồng thời, sự ổn định ngày nay khiến các đội đua nhỏ và yếu như Lotus hay HRT càng có ít cơ hội được nếm trải vinh quang theo kiểu “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” - điều trước đây khá lâu vẫn từng xảy ra.
Thế nhưng mặt khác, sự ổn định này vẫn là điều cần thiết. Các trục trặc đã không biết bao nhiêu lần khiến tay đua phải “đứt gánh giữa đường”, là một trong những yếu tố thiếu công bằng nhất của các cuộc đua. Vì thế, sự ổn định này có tác dụng tăng cường vai trò của tay đua và giúp họ có thêm sự tự tin để đẩy chiếc xe tới giới hạn của nó - yếu tố tối quan trọng trong F1.
Thực tế là không giống như những gì Jarno Trulli phàn nàn, mùa này Sebastian Vettel đang tận hưởng những gì tốt nhất mà sự ổn định có thể mang lại và là bằng chứng cho những quan điểm hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Trulli. Chính sự ổn định là yếu tố đã giúp Vettel tự tin để tạo ra sự khác biệt.
TTTPHCM