Nồm là một hiện tượng thời tiết độ ẩm của không khí lên cao 90%, dẫn đến sự ngưng tụ hơi nước trong không khí rồi đọng lại trên bề mặt của các đồ vật như sàn nhà, gương, tường… khiến quần áo phơi lâu khô hơn, thực phẩm và các đồ điện tử dễ hư hỏng.
Vào mùa xuân tại miền Bắc nước ta, tiết trời thường xuất hiện mưa phùn đi kèm với độ ẩm trong không khí cao.
Giải quyết cho tình trạng này, bên cạnh sử dụng các loại máy hút ẩm chuyên dụng, nhiều gia đình đã tận dụng chế độ "Dry" trên điều hòa nhà mình. Nhiều người dùng cho biết, việc bật chế độ "Dry" thực sự đem lại hiệu quả trong việc làm khô không gian nhà cửa vào những ngày nồm ẩm. Tuy nhiên cũng có một số người chia sẻ rằng, gia đình họ cũng sử dụng chế độ "Dry" của điều hòa nhưng tình trạng cũng không được cải thiện là bao. Vậy khác biệt nằm ở đâu?
Theo nhiều người có kinh nghiệm, sự khác biệt ở hiệu quả của chế độ "Dry" của điều hòa trong việc làm khô không gian nhà, chính là ở nhiệt độ. Cụ thể, nhiệt độ điều hòa càng thấp thì không gian nhà sẽ khô nhanh hơn. "Mình thử để điều hòa nhiệt độ thấp 1 loáng là nhà khô", người dùng tài khoản Hoàng Vinh nói. "Mình để 20 độ, 30 phút sau nhà khô cong dù nền trước đó đang chảy nước bòng bõng", "Mình toàn để 16, 17 độ", "Để nhiệt thấp hơn ngoài trời thì máy mới hoạt động", một số người dùng khác bình luận thêm.
Bởi vậy, nếu không sử dụng các loại hút ẩm chuyên dụng mà sử dụng điều hòa cùng chế độ "Dry" để khắc phục tình trạng nhà trời nồm, người dùng đừng quên để ý cả phần nhiệt độ cài đặt ở thiết bị. Tốt nhất nên để ở mức nhiệt thấp hơn nhiệt độ bên ngoài, khoảng từ 17-25 độ C. Có như vậy, phương pháp làm khô nhà này mới đạt được hiệu quả tối ưu và làm khô không gian trong thời gian nhanh chóng. Việc cài đặt nhiệt độ chưa phù hợp sẽ khiến thời gian làm khô không gian kéo dài lâu hơn.
Trên thực tế, tác dụng làm khô, giảm độ ẩm trong không gian của chế độ "Dry" trên điều hòa đã được hướng dẫn rõ trong tờ hướng dẫn sử dụng của thiết bị. Song rất nhiều người dùng bỏ qua. Bên cạnh đó, nếu người dùng chỉ sử dụng chế độ này mà không điều chỉnh nhiệt độ, thiết bị sẽ ít phả ra hơi lạnh, từ đó tiêu tốn ít điện năng hơn.
Các chuyên gia về thiết bị điện nói chung hay điều hòa nói riêng cũng đánh giá, sử dụng chế độ "Dry" còn khiến thiết bị hạn chế phát ra tiếng ồn khi hoạt động. Điều này cũng bởi do thiết bị ít tạo ra khí mát, từ đó hoạt động nhẹ nhàng hơn, tiếng ồn giảm đi phần nào.
Tuy nhiên, chế độ "Dry" chỉ là một phần phụ trợ của điều hòa, không phù hợp để sử dụng hàng ngày, đặc biệt vào những ngày mùa hè hanh khô. Bởi lẽ, chế độ này sẽ làm khô không khí, khô không gian, từ đó người sử dụng cũng sẽ gặp phải một số trường hợp khô da, khô họng, khô mắt, ảnh hưởng phần nào tới sức khỏe.
Khi có nhu cầu làm mát, người dùng vẫn nên sử dụng chế độ "Cool" thông thường của điều hòa và điều chỉnh nhiệt độ, mức gió phù hợp. Chế độ "Dry" chỉ phù hợp sử dụng vào những ngày độ ẩm trong không khí cao, đạt trên 70%. Không nên vì tiết kiệm điện mà lạm dụng chế độ Dry.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)