Vào năm 2016, việc Apple loại bỏ ổ cắm tai nghe khỏi iPhone 7 là một bất ngờ lớn đối với những người ưa thích âm nhạc di động cũng như các nhà sản xuất tai nghe.
Tuy nhiên, càng ngày, càng có nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh “học” theo Apple, điều tưởng chừng như là một động thái điên rồ đã thực sự cách mạng hóa cách chúng ta kết nối với các thiết bị phát nhạc, khi chúng ta buộc phải bỏ tai nghe có dây của mình và thay thế chúng bằng những thiết bị không dây.
Điện thoại thông minh có thể sẽ trở nên gọn gàng hơn với sự biến mất của ổ cắm tai nghe và các nhà sản xuất phụ kiện đã tập trung hơn vào các dòng tai nghe không dây với kết nối Bluetooth.
Việc giải phóng người nghe khỏi sự rối ren khi việc kết nối phụ thuộc vào những sợi dây vẫn là một sự tiện lợi hấp dẫn và là một điểm cân nhắc lớn đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn coi trọng chất lượng âm thanh, hiệu suất hơn so với sự tiện lợi thì tai nghe có dây vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Đây là những lợi thế của tai nghe có dây so với không dây:
1. Tai nghe có dây dùng được lâu hơn
Tai nghe có dây bền hơn tai nghe không dây đơn giản vì chúng sử dụng ít thành phần hơn. Tai nghe có dây là bộ chuyển đổi thụ động được điều khiển bởi bộ khuếch đại tai nghe bên trong bất kỳ thiết bị phát lại nào chúng được cắm vào.
Chúng không cần phải sạc pin (có hại cho môi trường) nên bạn sẽ không cần phải nhớ luôn sạc đầy pin cho tai nghe, không cần chip xử lý âm thanh hay bất kỳ loại khuếch đại tăng cường tín hiệu nào. Chúng chỉ đơn giản là mang tín hiệu âm thanh từ thiết bị phát lại được truyền theo một sợi dây được kết nối với trình điều khiển loa bên trong chụp tai nghe để tạo ra sóng âm mà tai chúng ta nghe được.
Mặc dù công nghệ không dây với kích thước đã thu nhỏ hơn và nhiều thiết kế thế không dây thế hệ thứ hai, bao gồm Bose QuietComfort Earbuds 2 và Samsung Galaxy Buds 2 Pro đã giảm kích thước đáng kể so với các phiên bản trước. Tuy nhiên, một số có thể cồng kềnh và nặng hơn so với các phiên bản có dây do có quá nhiều công nghệ được “ép” vào bên trong. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trọng lượng và mức độ thoải mái của các mẫu không dây.
Do đó, tai nghe có dây nhẹ hơn và thoải mái hơn khi đeo để nghe lâu hơn. Trên phương diện giá cả, nó cũng có giá rẻ hơn vì không cần phải tích hợp quá nhiều công nghệ âm thanh khi nó đã có dây.
2. Tai nghe có dây ít gặp sự cố kết nối hơn
Không giống như các kết nối vật lý, các kết nối không dây vẫn có thể bị chập chờn. Công nghệ Bluetooth đã được cải thiện rất nhiều để giúp cho kết nối không dây trở nên liền mạch nhất có thể, nhưng các trục trặc kết nối đôi khi vẫn xảy ra sau một khoảng thời gian sử dụng.
Ngoài ra, kết nối tai nghe không dây có thể dễ gây ra các vấn đề về độ trễ âm thanh làm người dùng mất tập trung khi xem video hoặc chơi game.
3. Tai nghe có dây có âm thanh tốt hơn
Tai nghe không dây sẽ tiện lợi hơn loại có dây khi bạn mang theo trên đường đi làm hay tập thể dục. Tuy nhiên, về mặt chất lượng, dù đã được cải thiện cũng như áp dụng các công nghệ âm thanh tốt nhất, tai nghe không dây vẫn thua kém tai nghe có dây về chất lượng âm thanh.
Tai nghe không dây có thể gây mệt mỏi cho người dùng khi nghe trong thời gian lâu hơn, một vài giờ thường là mức tối đa. Điều này có thể gây ra bởi sự mất cân bằng tần số - thường là kết quả của sự đè nén âm thanh được thực hiện để tăng tần số nhất định cho một loại âm thanh cụ thể. Điều đó có thể khiến tai phải chịu áp lực và não bộ của bạn phải xử lý nhiều hơn.
Những đặc điểm ở tai nghe không dây này thường là một tác dụng phụ của việc tinh chỉnh âm thanh, làm giảm các tệp âm thanh xuống kích thước có thể quản lý được để chúng có thể được truyền qua Bluetooth một cách hiệu quả.
Đến hiện tại, công nghệ Bluetooth hiện không có băng thông để hỗ trợ các tệp nhạc không mất dữ liệu.
Trong khi với tai nghe có dây, băng thông âm thanh sẽ không bị ảnh hưởng, nó sẽ chỉ phụ thuộc vào nguồn phát và chất lượng của tệp nhạc đang phát mà thôi.
4. Tai nghe có dây dễ nâng cấp hơn
Chất lượng âm thanh của tai nghe có dây có thể được nâng cấp hơn nữa bằng cách kết hợp thêm bộ khuếch đại tai nghe chuyên dụng giữa nguồn phát và tai nghe.
Bạn đang sử dụng tai nghe gì? Nó là loại có dây hay không dây?
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)