Trong những ngày hè oi bức, máy lạnh trở thành vật bất ly thân của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách, đặc biệt là thói quen tắt máy ngay sau khi dùng xong, không chỉ khiến hiệu suất làm lạnh suy giảm mà còn dễ khiến máy phát sinh nấm mốc, gây mùi hôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo bác sĩ chuyên khoa hô hấp người Nhật - ông Ōtani Yoshio - tác giả cuốn sách "Chăm sóc cổ họng: Cổ họng khỏe, miễn dịch tốt", nấm mốc trong điều hòa có thể phát tán bào tử và bụi bẩn ra không khí. Khi hít phải trong thời gian dài, người dùng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây cũng là lý do vì sao mỗi khi chuyển mùa, nhiều người vừa bật điều hòa đã bị ho, dị ứng. Thủ phạm không ai ngờ lại chính là chiếc điều hòa trong nhà.
Trên một diễn đàn công nghệ, một cư dân mạng đã đặt câu hỏi: "Liệu có cách nào ngăn máy lạnh bị mốc không?", chia sẻ rằng điều hòa nhà anh có chức năng thổi gió sau khi tắt máy, nhưng đôi khi chức năng này không hoạt động, dẫn đến hiện tượng ẩm mốc sau một thời gian dài sử dụng.
Bài viết nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người chia sẻ mẹo dùng điều hòa không bị mốc như: chuyển sang chế độ quạt gió (Fan mode) thay vì tắt máy đột ngột, hoặc mỗi cuối mùa hè nên bật chế độ quạt gió trong 3 ngày liên tục rồi mới tắt hẳn.
Chế độ quạt gió trong máy lạnh thường được ký hiệu là "Fan", "Fan Only"... trên remote, hoặc biểu tượng hình cánh quạt
Tác dụng quan trọng của chế độ quạt gió: Làm khô dàn lạnh sau khi tắt máy, ngăn ngừa việc ẩm đọng lại dẫn đến nấm mốc phát triển. Giảm mùi hôi và vi khuẩn từ điều hòa khi sử dụng lại lần sau. Là mẹo được nhiều người sử dụng vào cuối mùa hè là trước khi ngưng dùng máy lạnh dài hạn, hãy bật chế độ quạt gió 1-3 ngày liên tục để làm khô toàn bộ bên trong máy.
Có người khẳng định nhờ làm theo cách này mà điều hòa các thương hiệu như National, Hitachi hay Fujitsu dùng hơn 10 năm vẫn không có dấu hiệu mốc.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng khuyến nghị nên định kỳ 2-3 năm thuê thợ chuyên nghiệp vệ sinh điều hòa, hoặc sử dụng máy hút ẩm để duy trì độ ẩm phòng ở mức dưới 50%, hạn chế môi trường sinh sôi của nấm mốc.
Dù vậy, phần lớn người dùng đều thừa nhận việc máy lạnh bị mốc là điều gần như khó tránh khỏi nếu không vệ sinh định kỳ. Do đó, để đảm bảo hiệu quả làm mát và sức khỏe cho cả gia đình, việc bảo trì, vệ sinh điều hòa đúng cách là điều không thể xem nhẹ.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)