Tại Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, Chính phủ đã yêu cầu áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính.
Ngày 30/9/2024, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) ban hành Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT đến năm 2030. Quyết định này đã đưa ra giải thiết về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới - "Biện pháp E17".
Biện pháp này đặt mục tiêu tiêu thụ nhiên liệu đến năm 2030 cho xe bán ra thị trường như sau:
- Xe máy đạt định mức 2,3 lít/100km,
- Ô tô con (<1.400cc) đạt 4,7 lít/100km,
- Ô tô trung bình (1.400-2.000cc) đạt 5,3 lít/100km,
- Ô tô lớn (>2.000cc) đạt 6,4 lít/100km.
Có thể thấy mức tiêu thụ nhiên liệu này đang thấp hơn nhiều so với hầu hết các mẫu xe đang lưu hành hiện nay.
Nhiều mẫu ô tô hot đứng trước nguy cơ dừng bán (Ảnh minh họa).
Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, Bộ đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng bộ tiêu chuẩn về hạn mức tiêu thụ nhiên liệu và dự kiến ban hành trong năm nay.
Bộ tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tự soi chiếu, đánh giá về khả năng đáp ứng yêu cầu và có sự chuẩn bị, điều chỉnh kịp thời trước khi có bộ Quy chuẩn mang tính bắt buộc các hãng xe phải thực hiện.
Hiện tại, có hai phương án kiểm soát mức tiêu thụ nhiên liệu đang được cân nhắc là MEPS và CAFC.
Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) áp dụng giới hạn tiêu thụ nhiên liệu tối đa cho từng dòng xe, dựa vào dung tích động cơ. Nếu áp dụng phương án này, mẫu xe nào không đáp ứng chuẩn sẽ không được phân phối trên thị trường, bất kể sản lượng.
Trong khi đó, phương án CAFC tính toán mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung của doanh nghiệp. Cách này cho phép vẫn có thể bán xe tiêu thụ nhiên liệu cao, miễn là được bù trừ bằng các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Theo kết quả nghiên cứu phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Viện KHCN GTVT (ITST), nếu áp dụng Biện pháp E17 (phương pháp MEPS), sẽ có đến 97% các kiểu loại xe động cơ đốt trong buộc phải dừng sản xuất, nhập khẩu do không đạt hạn mức đề ra.
Ví dụ, Mitsubishi Xpander, một trong những mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam sử dụng động cơ 1.5L có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 6,2 lít/100km, hay mẫu Ford Everest với trang bị động cơ 2.0L có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 6,8 lít/100km, đều vượt hạn mức mới.
Những mẫu xe trong ví dụ trên đều là sản phẩm "hot" tại thị trường Việt Nam, với doanh số thường xuyên dẫn đầu phân khúc.
Với 97% xe động cơ đốt trong buộc phải dừng sản xuất, nhập khẩu do không đạt hạn mức đề ra, có khoảng 21,7% khách hàng có thể chuyển sang sử dụng ô tô hybrid hoặc ô tô điện. Như vậy, mức độ sụt giảm sản lượng ô tô bán ra trên thị trường hàng năm khi áp dụng biện pháp này sẽ là 77%.
(Ảnh minh họa)
Theo nghiên cứu trên, kịch bản áp dụng MEPS sẽ giảm khoảng 574 nghìn tỷ giá trị đóng góp của ngành vào GDP và giảm thu ngân sách nhà nước từ ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 377 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu áp dụng CAFC sẽ chỉ giảm khoảng 73 nghìn tỷ đồng đóng góp giá trị vào GDP và khoảng 38 nghìn tỷ đồng nguồn thu ngân sách.
Như vậy, theo nghiên cứu trên, phương pháp MEPS sẽ có tác động nặng nề đối với nền kinh tế, còn phương pháp CAFC, dù vẫn có những tác động đến GDP nhưng mức độ ảnh hưởng thấp hơn rất nhiều, đồng thời vẫn hướng tới đảm bảo mục tiêu giảm phát thải.
Theo ông Đào Công Quyết, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, nếu áp dụng MEPS, sẽ chỉ có các dòng xe BEV (xe thuần điện), HEV (hybrid tự sạc) hoặc PHEV (hybrid sạc ngoài) là đáp ứng được. Các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống sẽ phải dừng sản xuất lắp ráp và kinh doanh.
Việc này sẽ gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô trong nước, nguồn thu ngân sách nhà nước và công ăn việc làm của người dân.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)