Khi mua máy giặt, nhiều người sẽ quan tâm xem máy có khả năng chịu tải là bao nhiêu. Thông thường, thông số này sẽ được tính bằng đơn vị kilogram. Các máy giặt hiện nay có khả năng chịu tải khá đa dạng từ 7kg, 8kg, 10kg...
Nếu đồ quá ít so với khối lượng máy giặt sẽ gây tình trạng lãng phí điện nước. Thậm chí, việc ít đồ còn làm máy quay lệch tâm, rung khắc làm giảm tuổi thọ của máy giặt.
Trong khi đó, giặt quá nhiều đồ cùng lúc lại khiến đồ không được sạch và làm máy bị quá tải, nhanh hỏng hơn.
Vậy làm thể nào để biết đâu là lượng quần áo vừa đủ, đúng với khả năng chịu tải của máy? Trên máy ghi 7kg, 8kg... thì đó là khối lượng của quần áo khô hay quần áo ướt?
Khối lượng ghi trên máy giặt là quần áo khô hay ướt?
Trên thực tế, số kilogram ghi trên máy không phải trọng lượng của quần áo khô hay quần áo ướt. Con số này là trọng lượng của quần áo sau khi đã khử nước.
Sau khi cho quần áo vào máy giặt, máy sẽ bắt đầu quy trình làm sạch đã được lập trình sẵn. Kết thúc việc làm sạch bằng chất tẩy rửa và nước, máy sẽ tiến hành công đoạn vắt. Quần áo vắt xong sẽ ẩm và nặng hơn trước khi giặt nhưng lại nhẹ hơn khi ngâm nước. Trọng lượng ghi trên máy giặt chính là trọng lượng của quần áo đã giặt và vắt nước.
Thực tế, khối lượng ghi trên máy giặt là trọng lượng của quần áo đã giặt và vắt nước.
Cho bao nhiêu quần áo vào máy giặt là hợp lý?
Để máy giặt hoạt động hiệu quả, bạn chỉ cho lượng quần áo bằng khoảng 70-80% công suất của máy. Ví dụ, bạn đang dùng một chiếc máy giặt 8kg thì chỉ cho 6-7kg quần áo vào máy, không được cho nhiều hơn 8kg; nếu dùng máy 9kg thì giặt khoảng 7-8kg quần áo là hợp lý, không cho nhiều hơn 9kg quần áo.
Bạn có thể cân quần áo hoặc ước lượng quần áo. Hãy cân nhắc một số chất liệu vải có khả năng hút nước tốt. Ngoài ra, kích thước của quần áo cũng được chú ý. Chẳng hạn như quần áo bằng len sẽ nở ra khá nhiều khi gặp nước.
Tác hại của việc giặt quá ít hay quá nhiều
Việc cho lượng quần áo quá ít hay quá nhiều đều sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy. Nó sẽ gây ra tình trạng máy bị rung lắc mạnh hoặc giảm tốc độ quay.
Khi giặt quá tải, động cơ sẽ phải chịu tác động lớn hơn và sẽ bị giảm tuổi thọ. Nhét quá nhiều quần áo vào máy cũng một lúc cũng sẽ làm giảm hiệu quả làm sạch, các chất bẩn vẫn còn bám trên quần áo mà không được đẩy ra ngoài.
Lưu ý khi sử dụng máy giặt
Như đã nói ở trên, lượng quần áo cho vào máy mỗi lần giặt chỉ nên đạt khoảng 70-80% trọng tải của máy. Ngoài ra, nếu giặt ít đồ, bạn cũng không nên cho lượng quần áo nhỏ hơn 20% trọng tải của máy.
Với các hộ gia đình, máy giặt có trọng tải khoảng 7-8kg là phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu giặt quần áo mỗi ngày vừa không tốn kém chi phí đầu tư thiết bị.
Trước khi giặt quần áo, bạn nên kiểm tra kỹ các túi quần, túi áo để lấy ra những món đồ dễ bị bỏ quên như tiền, chìa khó, bật lửa, giấy...
Khi quần áo bị dính các vết bẩn cứng đầu, bạn hãy ngâm và giặt nó trước khi cho vào máy giặt cùng với các quần áo khác.
Sau khi giặt xong, hãy đem quần áo đi phơi ngay, không nên để quần áo trong máy giặt qua đêm. Sau khi phơi đồ xong, hãy mở cửa máy giặt để cho hơi nước bên trong bốc hơi hết.
Trong quá trình sử dụng, bạn cũng cần chú ý đến việc vệ sinh máy giặt để loại bỏ các cặn bẩn tích tụ trong máy. Khoảng 2-3 tuần có thể tiến hành vệ sinh lồng giặt một lần.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)