Dùng điều hòa không khí rất có lợi cho sức khỏe của con người, nếu nhiệt độ quá cao, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, hay nếu nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cho cơ thể rét buốt, khó khăn trong hoạt động. Vậy nên máy lạnh sẽ giúp cho không khí được điều hòa về nhiệt độ trung bình, trong lành hơn, giúp chúng ta dễ dàng hoạt động hơn, nhất là với gia đình có người già và trẻ nhỏ.
Điều hòa không khí còn lọc không khí, lọc sạch bụi bẩn và vi khuẩn, giúp cho không khí trở nên trong lành hơn. Mặc dù chức năng này không được xuất sắc như máy lọc không khí, nhưng vẫn cải thiện được không khí ô nhiễm trong phòng.
Nhiều gia đình để nhiệt độ điều hòa ở mức 28 - 29 độ C trong lúc ngủ vì tin rằng nó vừa đủ để làm mát không gian sống mà còn giúp tiết kiệm năng lượng. Nhưng liệu quan điểm này có chính xác?
Điều hòa không khí là một trong những thiết bị tiêu thụ điện năng đáng kể trong gia đình. Đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 28-29 độ C vào ban đêm được cho là một biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Người ta tin rằng, mức nhiệt độ tương đối cao này không chỉ giúp giảm bớt chi phí điện mà còn đủ mát để giải nhiệt cho căn phòng sau một ngày nắng nóng.
Theo các chuyên gia, máy điều hòa nhiệt độ sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi nhiệt độ môi trường ngoài trời dưới 48 độ C và nhiệt độ trong phòng từ 19 độ C trở lên. Để tiết kiệm năng lượng, nên duy trì nhiệt độ phòng chỉ cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 6 đến 10 độ C. Về việc tiết kiệm điện khi ngủ đêm, nếu để nhiệt độ điều hòa ở 28-29 độ C, bạn sẽ tiết kiệm được điện năng.
Khi nhiệt độ bên ngoài là 40 độ C, nên thiết lập điều hòa ở 30 độ C để đảm bảo mát mẻ và tiết kiệm điện. Trái lại, nếu để ở 25 độ C, máy điều hòa sẽ phải chạy với công suất tối đa, dẫn đến tiêu thụ nhiều điện hơn. Nếu nhiệt độ ngoài trời khoảng 30 - 35 độ C, nhiệt độ lý tưởng cho điều hòa là 25 - 28 độ C. Đặt ở 30 độ C có thể gây ra việc cục nóng bật tắt liên tục, tiêu tốn nhiều điện năng mỗi khi khởi động lại.
Để đảm bảo sức khỏe, khi ngủ nên sử dụng chế độ sleep (ngủ đêm) trên điều hòa. Chế độ này sẽ tự động tăng nhiệt độ lên 1 độ C sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng, và tiếp tục tăng thêm 1 độ C nữa, giữ ổn định nhiệt độ để tránh cảm giác quá lạnh vào ban đêm, giúp bạn ngủ ngon mà không quá nóng hoặc lạnh.
Nghĩa là, khi đi ngủ bạn có thể thiết lập nhiệt độ điều hòa ở 26 độ C và bật chế độ sleep. Sau nửa tiếng đến 1 tiếng, nhiệt độ sẽ tự động tăng lên 27 độ C, và sau 2 tiếng sẽ tăng lên 28 độ C. Chế độ này giúp tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cơ thể khi bạn đã chìm vào giấc ngủ, từ đó giúp bạn có một giấc ngủ sâu hơn và tiết kiệm điện năng hiệu quả.
Một số cách sử dụng điều hoà tiết kiệm vào mùa hè:
Trong những tháng hè, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ thường khiến hóa đơn tiền điện tăng cao. Để sử dụng điều hòa một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện, bạn cần chú ý đến những điểm sau:
Thiết lập nhiệt độ phù hợp: Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa sao cho có sự chênh lệch vừa phải giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài trời, giúp tiết kiệm điện và tránh sốc nhiệt cho cơ thể.
Sử dụng chế độ Cool: Mặc dù có quan niệm rằng chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) tiết kiệm điện hơn, nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng trong những ngày nắng nóng cao điểm, chế độ Cool sẽ làm mát hiệu quả hơn và không nên chuyển sang chế độ Dry.
Kết hợp sử dụng quạt: Sử dụng quạt điện cùng với điều hòa giúp tăng cường lưu thông không khí lạnh và làm mát phòng nhanh chóng, đồng thời giảm bớt cảm giác khô da và bảo vệ sức khỏe.
Tránh bật tắt điều hòa liên tục: Việc bật tắt điều hòa thường xuyên không những làm tăng tiêu thụ điện năng mà còn làm giảm tuổi thọ của thiết bị.
Bảo dưỡng định kỳ: Điều hòa nên được bảo dưỡng định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần để tăng hiệu suất hoạt động, phát hiện sớm các sự cố và tránh lãng phí điện năng.
Chọn điều hòa Inverter: Nếu bạn thường xuyên sử dụng điều hòa, nên cân nhắc chọn loại máy lạnh Inverter, với công nghệ biến tần giúp máy hoạt động ổn định và tiết kiệm điện năng hơn, đồng thời duy trì nhiệt độ ổn định trong phòng.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)