10 năm trước, iPhone 5 được “trình làng” vào ngày 12/9/2012. Đây là chiếc iPhone đầu tiên loại bỏ kết nối đế cắm 30 chân được kế thừa từ iPod để chuyển sang cổng Lightning.
Đây cũng là đầu nối dữ liệu có thể đảo ngược đầu tiên trên thiết bị di động, những đầu nối trước đó - cả độc quyền và USB - đều có "cực", nghĩa là chỉ có một hướng chính xác.
Mặc dù trước đây, nó được coi là một lợi thế so với điện thoại sử dụng microUSB, nhưng đến hiện tại cổng Lightning lại trở thành một nhược điểm và mọi người vẫn đang mong đợi Apple áp dụng cổng USB-C.
Ngoài ra, còn khá nhiều những công nghệ mới khác mà Apple đang cho thấy hãng khá chậm chạp trong việc áp dụng nó vào thiết kế iPhone của hãng.
1. USB-C: 8 năm
Mặc dù hiện tại thì chưa nhưng với luật mới ban hành của Liên minh châu Âu, chắc chắn, Apple sẽ phải chuyển sang sử dụng cổng USB-C cho iPhone vào năm 2023. Được biết, luật này sẽ có hiệu lực cho đến năm 2024, nhưng khi iPhone mới được giới thiệu vào cuối năm 2023, các nhà phân tích kỳ vọng rằng việc chuyển đổi sẽ diễn ra và iPhone 15 sẽ là mẫu iPhone đầu tiên được trang bị cổng USB-C thay vì Lightning.
Không chỉ EU, Mỹ và Brazil cũng đang xem xét các luật tương tự, coi USB-C trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với điện thoại.
Trong khi đó, những chiếc điện thoại Android đầu tiên sử dụng USB-C đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2015, đồng nghĩa với việc Apple đã áp dụng muộn 8 năm. Chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng cổng USB-C chính là LeTV One Max chạy hệ điều hành của Google.
Không hiểu vì lý do gì mà Táo khuyết lại chậm trễ chuyển đổi từ Lightning sang USB-C lâu như vậy bởi các sản phẩm khác của hãng đã được chuyển sang cổng này từ lâu. Nếu theo lịch trên, iPhone đầu tiên có USB-C sẽ xuất hiện sau 5 năm kể từ khi iPad đầu tiên chuyển sang sử dụng Lightning (đó là iPad Pro từ năm 2018). Trong khi MacBook 12 inch đã có cổng USB-C từ năm 2015.
2. Cảm biến Quad Bayer: 4 năm
Sau vài năm sử dụng camera 12MP, Apple cuối cùng đã chuyển sang cảm biến Quad Bayer với độ phân giải cao. Tất nhiên, tính năng này chỉ dành cho các mẫu Pro. Apple dường như có cách tiếp cận khá thận trọng trong việc áp dụng công nghệ mới.
Trong khi Nokia 808 PureView từng thống trị thị trường smartphone đã là chiếc điện thoại có camera độ phân giải cao nhất - 41MP với bộ lọc Bayer tiêu chuẩn từ nhiều năm về trước.
Vào cuối năm 2018, Nokia đã bị soán ngôi (về độ phân giải) bởi Huawei Nova 4 và Honor View 20 với camera 48MP. Tại thời điểm ra mắt, camera của Huawei P20 Pro với cảm biến Quad Bayer là một thứ hoàn toàn mới trong lĩnh vực di động.
Quad Bayer với rất nhiều kỹ thuật tiên tiến như HDR chụp một lần, nhiều độ phân giải hơn cho phép zoom kỹ thuật số ít mất dữ liệu hơn, bổ sung pixel để có ảnh độ phân giải cao hơn.
Ngoài ra, Nokia 808 PureView nổi tiếng không chỉ vì độ phân giải của cảm biến máy ảnh mà còn vì kích thước của nó. Cảm biến của iPhone 14 Pro và 14 Pro Max có kích thước gần giống nhau - 1/1,2 inch đối với Nokia và 1/1,28 inch đối với iPhone.
3. 5G: 1,5 năm
Dòng iPhone 11 được ra mắt vào năm 2019 chỉ có modem 4G LTE. Phải đến năm 2020, khi loạt iPhone 12 được giới thiệu, Apple mới thực hiện bước nhảy lên 5G. Lý do đằng sau điều này không liên quan gì đến chiến lược thị trường mà do cuộc chiến pháp lý về bằng sáng chế giữa Apple và Qualcomm. Sau đó, chip 5G của Intel lại không phân phối kịp cho Apple. Cuối cùng, hãng đã phải “hòa giải” với Qualcomm và hiện tại, Táo khuyết vẫn đang sử dụng con chip 5G Snapdragon X của Qualcomm.
Có tin đồn về việc Samsung, MediaTek và thậm chí Huawei có khả năng cung cấp chip 5G, nhưng những tin đồn đó đã không thành sự thật.
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào bộ phận chip do Apple tự sản xuất sau khi Intel bán lại mảng kinh doanh chip cho Táo khuyết. Một số nhà phân tích tin rằng modem đã sẵn sàng hoạt động, nhưng nó đang bị kìm hãm bởi các vấn đề cấp phép bằng sáng chế.
Điện thoại 5G đầu tiên trên thế giới là Samsung Galaxy S10 5G, ra mắt vào đầu năm 2019. Vì vậy, Apple đã chậm hơn 18 tháng, và thời điểm iPhone 5G được ra mắt thì các nhà sản xuất điện thoại thông minh Android đã tung ra hàng chục điện thoại 5G khác.
4. Chế độ Luôn hiển thị (AOD - Always-On Display): 6 năm
Apple là nhà tiên phong về tấm nền màn hình LTPO vì công ty cần tiết kiệm năng lượng hơn để kích hoạt chế độ Always-On Display cho Apple Watch Series 5 vào năm 2019. Thế nhưng, tính năng tương tự này chỉ khả dụng trên iPhone cho đến tận tháng 9 này, khi iPhone 14 Pro và 14 Pro Max được ra mắt và đây cũng là những thiết bị đầu tiên (và duy nhất) trong gia đình Nhà Táo có AOD.
Trước đây, một số điện thoại phổ thông có thể chuyển màn hình LCD sang đen trắng để dễ đọc, tiết kiệm điện khi hiển thị thời gian và các biểu tượng thông báo. Ngoài ra còn có những chiếc điện thoại kỳ quặc như YotaPhone có màn hình e-Ink ở mặt sau.
Những chiếc điện thoại Android đầu tiên có AOD đã xuất hiện vào năm 2016 - đó là Samsung Galaxy S7 và LG G5. Vào thời điểm đó, chế độ AOD đã có một điểm nhấn đáng chú ý là thời lượng pin ở chế độ chờ. Hiện tại, tính năng này được cải thiện và nâng cấp hơn rất nhiều.
5. Sạc không dây: 8 năm
Khả năng sạc không dây cũng lần đầu tiên xuất hiện trên Apple Watch vào năm 2014. Điện thoại thông minh đầu tiên có sạc không dây là Palm Pre được phát hành vào năm 2009. Tiếp theo, Nokia Lumia 920 và Nexus 4 cũng có sạc không dây từ năm 2012.
Trong khi thế hệ iPhone 8 và X được ra mắt năm 2017, mới đánh dấu sự kết thúc của thiết kế iPhone cổ điển chuyển sang iPhone màn hình tai thỏ, đồng thời, mang đến hỗ trợ sạc không dây lần đầu trên iPhone. Vào năm 2020, Apple đã công bố MagSafe, có thêm nam châm để giữ sạc cũng như phụ kiện đi kèm.
6. Màn hình “nốt ruồi”: 3 tháng
Sharp Aquos S2 và Essential Phone với màn hình nốt ruồi đã được ra mắt từ năm tháng 8/2017
Nhiều người có thể cho rằng iPhone X là chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình đục lỗ hay còn gọi là màn hình “nốt ruồi”. Nhưng sự thực không phải như vậy. Trước đó, đã có 2 thiết kế màn hình đục lỗ là Sharp Aquos S2 được ra mắt vào ngày 14/8/2017 và ngay sau đó là Essential Phone chỉ vài ngày sau đó. Các thiết kế này đều có viền mỏng và camera selfie được đặt trong một lỗ đục.
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)