Zalo thu phí 5.000 đồng khi đăng ký tài khoản
Nhiều người dùng gần đây cho biết khi đăng ký tài khoản Zalo bằng số điện thoại mới, họ sẽ phải gửi một tin nhắn đến tổng đài của dịch vụ này để nhận mã OPT (mật khẩu sử dụng một lần) để kích hoạt, với giá tin nhắn lên tới 5.000 đồng. Chị Ngọc Linh (Hải Phòng) cho biết trước đây việc đăng ký tài khoản Zalo là miễn phí, nhưng đến khi tạo và hướng dẫn bố mình sử dụng phần mềm này trong dịp tết vừa qua thì mới hay chính sách đã thay đổi.
Nhiều thành viên trên các nhóm cộng đồng công nghệ đánh giá khoản phí SMS lên tới 5.000 đồng mà Zalo thu là chi phí cao bất thường đối với một dịch vụ cung cấp tin nhắn đang hoạt động trên thị trường. Đối với nhiều ứng dụng tương tự, ví dụ Telegram, Messenger, WhatsApp, Lotus... mã OTP được gửi tự động về số điện thoại của người dùng đăng ký tài khoản hoàn toàn miễn phí. Số ít cung cấp dịch vụ tổng đài tự động gọi điện tới số điện thoại của người đăng ký để đọc OTP, nhằm tránh người khác xem trộm tin nhắn.
Zalo đã quyết định thu phí 5.000 đồng cho mỗi tin nhắn SMS khi người dùng đăng ký tài khoản mới.
WhatsApp từng thu phí 25 nghìn đồng
WhatsApp từng thu phí người dùng 1 USD/năm nhưng không khiến người dùng cảm thấy khó chịu. Thậm chí, chính sách thu phí chỉ "25 nghìn đồng" này còn được khen là chiến lược thiên tài giúp ứng dụng trở thành nền tảng nhắn tin số một thế giới.
Vào năm 2016, WhatsApp, dịch vụ nhắn tin thuộc sở hữu của Facebook, tuyên bố sẽ ngừng thu khoản phí 1 USD/năm để miễn phí hoàn toàn cho mọi người dùng.
Nhưng sau khi tin tức này được công bố, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên trên mạng xã hội khi chưa từng biết việc WhatsApp có bắt người dùng trả phí, trong khi những người khác nói rằng họ chưa bao giờ phải trả một đồng nào. Tại sao có chuyện lạ đời như vậy?
Câu chuyện thu phí của WhatsApp hóa ra không phải tìm mọi cách để "moi từng đồng" của người dùng. Việc người dùng phải trả phí thường niên cho WhatsApp hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm họ tham gia dịch vụ và thậm chí là theo từng quốc gia.
Cho đến tháng 7/2013, WhatsApp từng tính phí người dùng iPhone 1 USD để tải xuống ứng dụng. Nhưng sau đó, công ty cho phép tải xuống và sử dụng ứng dụng miễn phí trong năm đầu tiên, sau đó mới tính phí thường niên là 1 USD.
Nhưng như một sự tri ân đối với người sử dụng WhatsApp, công ty đã cho phép những người dùng khi ấy quyền truy cập trọn đời vào dịch vụ. Ngay cả khi xóa app, đổi máy, miễn là giữ nguyên số điện thoại đăng ký, họ sẽ không bao giờ phải trả thêm một xu nào nữa.
Có thể những người dùng về sau này phải trả số tiền ít ỏi nói trên, nhưng nếu là người dùng sớm, bạn đã được hưởng quyền truy cập miễn phí vào WhatsApp.
Nhà sáng lập WhatsApp Jan Koum cũng tiết lộ lý do công ty không áp dụng mức phí 1 USD ở khắp mọi nơi. Theo đó, ở các quốc gia đang phát triển, người dùng không có thẻ tín dụng nên không thể thanh toán số tiền này. Việc miễn phí giúp họ tiện lợi hơn trong việc tiếp tục giữ kết nối với bạn bè và tận thu ở mọi quốc gia cũng không phải mục đích lợi nhuận của WhatsApp.
Đây là lý do tại sao WhatsApp miễn phí thường niên 1 USD ở nhiều quốc gia, bao gồm cả thị trường lớn nhất Ấn Độ, và điều này cũng giải thích tại sao trong phần mô tả của App Store, công ty nói một cách khó hiểu rằng "có thể" tính phí sau năm đầu tiên. Về cơ bản, có người phải trả tiền, có người thì không.
Sau này, việc xóa bỏ khoản phí 1 USD không chỉ cho phép WhatsApp khám phá các nguồn doanh thu thay thế và có khả năng sinh lợi hơn — chẳng hạn như quan hệ đối tác doanh nghiệp — mà còn mang lại sự nhất quán cho mô hình kinh doanh của mình.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)