Xuất hiện các cuộc gọi và tin nhắn lạ
Bạn có thể kiểm tra danh sách cuộc gọi và tin nhắn của điện thoại. Nếu thấy có những số điện thoại lạ xuất hiện mà trước đó bạn chưa từng gọi hay nhận cuộc gọi/tin nhắn từ số đó thì cần phải thận trọng. Đây là có thể là dấu hiệu ăn cắp cước viễn thông, kèm các phần mềm độc hại buộc điện thoại phải liên hệ với các số điện thoại đó. Lúc này, hãy kiểm tra xem tiền điện thoại có bị trừ bất thường không.
Các hoạt động bất thường trên các tài khoản được cài đặt trên điện thoại
Khi hacker tấn công điện thoại, chúng có thể chiếm đoạt được quyền truy cập vào các tài khoản mạng xã hội, email, ngân hàng... được liên kết với điện thoại.
Người dùng cần phải chú ý đến các hoạt động bất thường liên quan đến những tài khoản này bao gồm việc đặt lại mật khẩu, gửi các email lạ, các email đánh dấu chưa đọc...
Kẻ xấu có thể lợi dụng danh tính của người bị hại để mở các tài khoản hoặc nâng hạn mức tín dụng, chiếm đoạt tài sản bằng thông tin cá nhân đã đánh cắp.
Tăng lượng sử dụng dữ liệu WiFi/3G/4G một cách bất thường
Khi dung lượng WiFi, 3G, 4G có sự tiêu hao bất thường, bạn nên cẩn trọng vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy điện thoại đang bị kẻ xấu tấn công. Việc truyền dữ liệu một cách âm thầm ngay cả khi bạn không động đến thiết bị chính là nguyên nhân làm tăng lượng dữ liệu sử dụng. Kết quả của việc này có thể dẫn đến tình trạng thường xuyên bị nghẽn mạn, lướt web bị chậm, giật.
Điện thoại nhanh hết pin, hay bị giật
Khi bị các phần mềm độc hại xâm nhập, điện thoại có thể bị hết pin nhanh hơn bình thường. Các phần mềm này sử dụng hết tài nguyên của điện thoại để đánh cắp dữ liệu và truyền thông tin về máy chủ cả hacker. Đi cùng với việc tiêu hao pin là tình trạng giật, lag khi sử dụng.
Khi gặp phải tình trạng này dù bạn đã cố gắng tắt hết các ứng dụng chạy nền hoặc điện thoại bị sập nguồn, khởi động lại nhiều lần thì nên cẩn trọng.
Cửa sổ bật lên bất thường
Không phải trường hợp nào khi xuất hiện các cửa sổ bật lên cũng là dấu hiệu cho thấy điện thoại bị tấn công. Tuy nhiên, các cảnh báo liên tục về việc xuất hiện những cửa sổ bật lên cho thấy điện thoại đã bị nhiễm phần mềm quảng cáo. Khi đó, người dùng bắt buộc phải xem các trang quảng cáo này. Cửa sổ bật lên có thể không phải là do điện thoại bị xâm nhập nhưng kẻ lừa đảo có thể cài cắm các phần mềm độc hại thông qua các cửa sổ bật lên này để đánh cắp thông tin người dùng.
Làm gì khi nghi ngờ điện thoại bị hack?
Người dùng có thể khôi phục cài đặt gốc. Đây là cách để loại bỏ các phần mềm độc hại ra khỏi điện thoại, giữ cho thiết bị được an toàn.
Ngoài ra, người dùng điện thoại Android có thể sử dụng các ứng dụng quét phần mềm độc hại đến từ các nhà cung cấp có uy tín. Người dùng iPhone không nên sử dụng jailbreak - thay đổi cấu hình hệ thống để tránh nguy cơ điện thoại bị xâm nhập trái phép.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)