Dù bạn đang sử dụng máy ảnh DSLR xịn sò (máy ảnh phản xạ ống kính kỹ thuật số) chỉ chụp bằng điện thoại thông minh, các kỹ năng chụp ảnh vẫn không thay đổi. Biết cách tạo bố cục, khai thác sức mạnh của ánh sáng và hiểu được chiều sâu của bức ảnh là 3 kỹ năng quan trọng nhất. Khi chụp ảnh bằng smartphone, bạn chỉ cần áp dụng một số mẹo sau để biến bức ảnh của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn.
1. Dành thời gian chuẩn bị
Hãy dành một chút thời gian để đảm bảo bạn đã lựa được một góc chụp tốt với đủ ánh sáng và bố cục tốt trước khi quyết định nhấn vào nút chụp.
2. Áp dụng các nguyên tắc về bố cục
Khi chụp ngoại cảnh, nhiều người cho rằng nên để đường chân trời vào chính giữa khung hình hay đặt mụa tiêu vào chính giữa. Những cách chụp như vậy là hoàn toàn sai lầm và nó sẽ tạo ra những bức ảnh kém cân đối về mặt thẩm mỹ.
Hãy ghi nhớ, luôn sử dụng quy tắc 1/3 khi chụp ảnh, chưa bàn đến chất lượng nhưng quy tắc này sẽ giúp bạn có được một bức hình cân đối. Hầu hết các camera trên điện thoại thông minh hiện đại đều có tùy chọn đường lưới. Bật đường lưới sẽ giúp bạn sắp xếp đối tượng hoặc đường chân trời của mình theo quy tắc 1/3.
Ý tưởng là thay vì đặt đối tượng của bạn ở trung tâm, hãy đặt đối tượng trên đường phân cách khung hình thành 1/3. Tính năng này có thể được áp dụng theo cả chiều dọc (đối với chụp chân dung) và theo chiều ngang (đối với chụp phong cảnh).
3. Nguyên tắc phóng to ảnh bằng cách tự di chuyển đến gần mục tiêu
Tính năng phóng to trên máy ảnh điện thoại thông minh là sự can thiệp bằng công nghệ số, cũng vì vậy mà bức ảnh của bạn có thể bị nhiều biến dạng và nhiễu. Không chỉ vậy, việc chỉnh sửa hoặc cắt bỏ sự biến dạng hay nhiễu này sẽ làm giảm chất lượng ảnh.
Cách tốt nhất để phóng to camera trên điện thoại thông minh là tự mình di chuyển đến gần đối tượng hơn.
Việc đến gần một đối tượng áp dụng cho bất kỳ thứ gì bạn có thể chụp chủ thể của mình trong phong cảnh, lấp đầy khung hình bằng khuôn mặt bạn bè của bạn hoặc chỉ cần đến gần một thứ mà bạn cho là đẹp.
Một cách tuyệt vời để thực hành điều này là tìm những thứ nhỏ và chụp ảnh từ nơi bạn thường chụp, sau đó tiến lại gần vài bước. Bạn sẽ thấy sự khác biệt về chất lượng ngay lập tức.
4. Bỏ đèn flash
Ánh sáng phát ra từ đèn flash của camera điện thoại thường khá gay gắt. Nó tạo ra những vùng sáng và bóng tối khác lạ, ảnh hưởng đến màu sắc thật của đối tượng và có thể gây ra phản xạ khó coi. Trừ khi đèn flash là cách duy nhất để bạn có thể chụp bất cứ thứ gì, mình khuyên bạn nên tắt nó đi.
Thay vào đó, hãy cố gắng tận dụng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng xung quanh. Nó sẽ cung cấp cho bạn nhiều ánh sáng hơn và tạo ra một bức ảnh tổng thể đẹp hơn.
Nhiều camera điện thoại thông minh mới hơn hiện nay đã có chế độ ban đêm; điều này cho phép bạn chụp những bức ảnh đẹp hơn nhiều trong bóng tối, nhưng bạn phải giữ điện thoại của mình ổn định trong vài giây.
5. Sử dụng các ứng dụng chụp ảnh khác
Ứng dụng chụp ảnh tiêu chuẩn trên điện thoại đã rất tốt, nhưng đó không phải là cách duy nhất để chụp ảnh từ điện thoại của bạn. Có vô số ứng dụng chụp ảnh khác có thể chụp, cải thiện hoặc thêm đường nét vui nhộn vào ảnh của bạn.
Với rất nhiều ứng dụng máy ảnh miễn phí có sẵn, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn. Một số ứng dụng camera tiêu biểu bao gồm Gudak Cam, Focos, Camera+, Manual, Camera ZOOM FX và Camera 360.
Với mỗi ứng dụng máy ảnh khác nhau, bạn sẽ thấy các cài đặt camera mới. Hãy thử chúng để tìm hiểu cách sử dụng từng ứng dụng một cách tốt nhất. Một số ứng dụng cho phép bạn thay đổi ISO, khẩu độ, tốc độ màn trập hoặc hơn thế nữa. Những cài đặt này sẽ tạo ra những bức ảnh có tiêu chuẩn tương tự như máy ảnh DSLR.
6. Sử dụng HDR
Dải tương phản rộng (HDR) là là chế độ chụp giúp tăng thêm độ tương phản màu sắc của bức ảnh. Một mặt, nó giúp bạn có được độ phơi sáng cân bằng trong một bức ảnh có nhiều vùng sáng tối. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể bị lạm dụng và tạo ra những bức ảnh trông hơi lệch.
Tuy nhiên, nếu bạn không sử dụng nó quá mức, chế độ này thực sự rất hữu ích. Ví dụ: HDR có thể cân bằng các phần của hình ảnh bị ánh sáng mặt trời làm chói hoàn toàn, chẳng hạn như ánh sáng ban ngày bên ngoài cửa sổ từ ảnh chụp chủ thể trong nhà. Theo cách an toàn nhất, bạn nên để HDR ở chế độ tự động. Nhưng học cách tạo độ phơi sáng cân bằng trong ảnh sẽ phục vụ bạn tốt nhất về lâu dài.
7. Không lạm dụng bộ lọc
Instagram đã phổ biến ý tưởng về bộ lọc ảnh, nhưng có rất nhiều ứng dụng cho phép bạn áp dụng một tổ hợp hiệu ứng cụ thể, nhưng bạn không nên áp dụng chúng cho tất cả các bức ảnh của mình. Các bộ lọc tiêu chuẩn thường rất phóng đại và hiển nhiên khi chúng được sử dụng, điều này không phù hợp với tất cả các loại ảnh.
Tuy nhiên, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể tạo cài đặt trước của riêng họ để họ sử dụng trên tất cả các bức ảnh của họ; chúng thường tinh tế hơn các bộ lọc tiêu chuẩn và đủ để nhận ra chất riêng nhiếp ảnh gia từ một bộ ảnh. Bạn có thể tạo các cài đặt trước của riêng mình trong phần Lightroom.
8. Học cách chỉnh sửa ảnh
Việc học cách chỉnh sửa ảnh có thể khiến bản cảm thấy oải với các khóa học chỉnh sửa trực tuyến. Nhưng việc thực hiện các điều chỉnh nhanh thông qua một số ứng dụng trên điện thoại có thể đơn giản và thú vị hơn nhiều.
Chỉnh sửa ảnh của bạn cho phép bạn thực hiện các thay đổi khiến bức ảnh mà bạn chụp trở nên nghệ thuật và ảo diệu hơn.
VSCO và Snapseed là 2 ứng dụng tốt bạn có thể sử dụng để chỉnh sửa ảnh trên điện thoại.
9. Giữ ống kính camera luôn sạch sẽ
Bạn mang điện thoại đi khắp nơi, cho vào túi hoặc túi quần và thậm chí đưa chúng cho những đứa trẻ nghịch ngợm, những hành động này có thể khiến ống kính điện thoại bị bẩn. Bụi bẩn và tạp chất có thể khiến bức ảnh của bạn bị kém chất lượng đi.
Hãy thường xuyên vệ sinh camera máy ảnh bằng một miếng vải sợi nhỏ để đảm bảo không có bụi bẩn bám bên ngoài ống kính.
10. Nâng cấp điện thoại
Với mỗi lần phát hành điện thoại mới, phần mềm camera của điện thoại thông minh trở nên tốt hơn. Không chỉ ở chất lượng camera, mà còn ở các tính năng bổ sung.
Nếu có khả năng tài chính tốt hoặc điện thoại của bạn cũng đã đến lúc thay mới thì bạn có thể nghĩ đến chuyện mua một chiếc smartphone mới.
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)