Có rất nhiều sự hiểu lầm dành cho màn hình hiển thị cong. Nó không chỉ là một chiêu trò marketing của hãng sản xuất mà thực sự có thể mang lại khả năng hiển thị tốt hơn đáng kể. Trên thực tế, màn hình cong là một sự sáng tạo lớn và rất quan trọng đối với công nghệ hiển thị, đặc biệt là smartphone.
Màn hình cong trở thành hiện thực là nhờ lớp kính cong và mỏng, đi cùng với sự phát triển trong công nghệ sản xuất OLED lẫn LCD. Tuy nhiên OLED lại có thế mạnh vượt trội hơn bởi có thể được làm dẻo chứ không chỉ cong một cách cố định. Thực tế, Samsung Galaxy Round sở hữu tấm nền OLED dẻo được gắn vào một tấm kính cong và nó khá giống với màn hình OLED có trên Galaxy Note 3. Vì thế chúng ta có thể so sánh trực tiếp màn hình của Galaxy Note 3 với Galaxy Round để xem màn hình cong có những lợi thế gì.
Độ cong của màn hình
Độ cong của Galaxy Round tương đối nhỏ - 2 mép trái và phải của nó chỉ cao hơn trung tâm màn hình 2,66 mm, vì thế sự thay đổi đem lại không nhiều nhưng lại rất quan trọng. Màn hình của máy chỉ cong một chiều dọc theo trụ máy. Hơn nữa Galaxy Round lại cong theo kiểu lõm chứ không lồi, giống như một chiếc gương phóng đại, chỉ khác là tấm gương cong theo hai chiều chứ không phải một.
Thiết kế đảm bảo sự riêng tư
Galaxy Note 3 và Galaxy Round có kích thước bên ngoài tương đương nhau bởi sự khác biệt về kích thước mà màn hình cong mang lại là không nhiều. Chiếc Round mỏng hơn một chút nhưng có chiều rộng và chiều dài gần như bằng Note 3. Galaxy Round cũng cho cảm giác trên tay thoải mái hơn bởi lòng bàn tay vừa khít với mặt cong phía sau lưng máy, thay vì chỉ chạm vào 2 cạnh trái và phải như các smartphone thông thường. Thiết kế cong cũng giúp tăng tính riêng tư của người dùng bởi đường cong khiến người ngoài khó nhìn vào nội dung hiển thị trên màn hình hơn, trừ khi bạn cố tình giơ máy cho họ xem.
Độ sáng màn hình
Nhiều người dùng smartphone thường sử dụng thiết bị của mình dưới ánh sáng ngoài trời. Tất cả các màn hình đều phản chiếu lại ánh sáng môi trường xung quanh đó gây nên hiện tượng mất màu và mất độ tương phản, khiến nội dung hiển thị trở nên khó nhìn hơn. Để thấy rõ ảnh hưởng của việc này, hãy tắt màn hình smartphone của bạn đi, sau đó đi một vòng xung quanh ngôi nhà. Bạn sẽ thấy mọi thứ, từ đèn trần, quạt trần, trần nhà, cửa sổ, ánh sáng mặt trời và thậm chí là cả khuôn mặt bạn sẽ phản chiếu rõ mồn một trên màn hình. Điều này khiến bạn phải tăng độ sáng của màn hình để "đánh bật" lại tất cả các ánh sáng phản chiếu đó.
Thậm chí, màn hình phải được tăng lên độ sáng cao nhất là một yếu tố rất quan trọng trong bất kì một cuộc thử nghiệm hiển thị nào để đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên màn hình sáng hơn đồng nghĩa với việc tốn pin hơn do tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Nếu một công nghệ nào đó có thể giảm được hình ảnh phản chiếu trên màn hình, nó sẽ không chỉ giúp người dùng dễ nhìn hơn, tăng độ tương phản, độ chính xác của màu sắc, chất lượng hiển thị nói chung mà còn giúp tăng thời lượng pin. Một trong những phương pháp để làm điều đó là giảm độ phản chiếu. Galaxy Note 3 và Galaxy Round có độ phản chiếu khoảng 5%, gần thấp nhất đối với smartphone.
Nhưng còn một cách nào khác để giảm độ phản chiếu sáng màn hình xuống thấp hơn nữa đó là tạo nên một độ cong nhỏ đối với màn hình, giống như điều mà chiếc Galaxy Round đã làm.
Độ phản chiếu
Màn hình cong trên Galaxy Round giảm độ phản chiếu của ánh sáng môi trường theo 2 cách. Thứ nhất, nó giảm góc mở 180 độ của màn hình thông thường, từ đó triệt tiêu ánh sáng phản chiếu đến từ 2 bên. Thứ hai, đường cong sẽ làm lệch ánh sáng môi trường đến từ phía sau, khiến chúng đi ra khỏi tầm nhìn của người dùng. Điều này rất quan trọng bởi chúng ta cần giảm tối đa lượng ánh sáng bên ngoài phản chiếu qua màn hình.
Hình ảnh phản chiếu được phóng đại
Điều thú vị và quan trọng nhất mà màn hình cong của Galaxy Round mang lại là nó phóng to tất cả các hình ảnh được nó phản chiếu, giống một chiếc gương lõm như đã đề cập bên trên. Tính năng này giúp giảm thiểu sự can thiệp của ánh sáng phản chiếu theo 3 cách:
Thứ nhất: Khi bạn cầm smartphone màn hình phẳng thì ở khoảng cách bình thường, màn hình sẽ phản chiếu cả gương mặt bạn lẫn không gian sau lưng bạn. Khoảng không gian sau lưng ấy thường sáng hơn khuôn mặt của bạn và cản trở tầm nhìn. Bạn có thể cầm điện thoại của mình lên và kiểm nghiệm ngay bây giờ. Tuy nhiên với chiếc Galaxy Round, ở khoảng cách bình thường, khuôn mặt của bạn sẽ được phóng to lên và chiếm gần hết màn hình khiến bạn gần như không thấy được những vật thể sau lưng bạn nữa. Kết quả là hình ảnh phản chiếu của môi trường xung quan được giảm xuống nhất nhiều, nhất là khi bạn đang ở ngoài trời. Đây là lợi ích đầu tiên mà màn hình cong mang lại.
Thứ hai: Vì khuôn mặt của bạn được phóng to theo chiều dọc lên 2 lần (tùy thuộc vào khoảng cách giữa mắt với màn hình), độ sáng của hình ảnh phản chiếu cũng được giảm xuống do bị trải đều ra vì bị phóng đại. Tác dụng này tương đương với khi giảm độ phản chiếu và là lợi ích thứ hai của màn hình cong.
Thứ ba: Màn hình cong của Galaxy Round có tiêu cự khoảng 40 cm, tương đương với khoảng cách từ mắt đến màn hình của người dùng thông thường. Độ phóng đại theo chiều dọc sẽ tăng ít nhất từ 2 lần trở lên khi khoảng cách từ mắt tới màn hình đạt dưới 40 cm. Do hình ảnh phản chiếu của khuôn mặt bạn bị phóng đại lên rất nhiều lần, các chi tiết trên khuôn mặt sẽ bị làm mờ đi cho đến khi hoàn toàn biến mất. Điều này làm giảm đáng kể sự can thiệp của hình ảnh môi trường xung quanh vào nội dung mà bạn đang theo dõi trên màn hình. Đây là lợi ích thứ ba nhưng ngược lại, bạn cũng không thể chỉnh trang đầu tóc của mình bằng điện thoại nữa.
Màn hình dẻo
Thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất là đánh giá màn hình OLED dẻo, màn hình của Galaxy Round và màn hình của Galaxy Note 3 một cách độc lập. Thay vì cuộn tròn màn hình cong như phần lớn những người dùng tò mò sẽ làm, trang công nghệ DisplayMate tiến hành nghiên cứu các thay đổi về độ phản chiếu của ánh sáng môi trường lên màn hình cong khi độ cong của màn hình thay đổi.
Cũng giống như thử nghiệm trước, Galaxy Round cho kết quả tốt hơn so với Galaxy Note 3, song chiếc màn hình dẻo còn cho kết quả còn tốt hơn nữa. Chỉ cần uốn nhẹ, các ánh sáng khó chịu của môi trường, ví dụ như đèn bàn, có thể bị giảm bớt nhằm tránh hiện tượng ánh sáng trắng trên màn hình. Như vậy, một trong những lợi thế của màn hình dẻo và màn hình cong so với màn hình phẳng là khả năng loại bỏ ánh sáng phản chiếu bằng cách uốn nhẹ màn hình.
Màn hình OLED dẻo được sản xuất sử dụng phần nền nhựa dẻo, do đó lớp kính bóng có mặt trên hầu hết các màn hình smartphone hiện nay sẽ bị loại bỏ. Điều này giúp đem lại 3 lợi ích lớn: mức độ phản chiếu của màn hình bị giảm xuống nhờ loại bỏ bớt một lớp kính; lớp nhựa bọc trên màn hình OLED cong có dạng hơi mờ xỉn, giúp giảm độ phản chiếu; khi không còn lớp kính bọc, hình ảnh hiển thị trực tiếp trên lớp OLED rực rỡ và ấn tượng hơn thông thường rất nhiều.
Kết luận
Trong khi các nhà sản xuất có thể tung ra các model tivi sử dụng bề mặt kính cong, OLED vẫn là công nghệ duy nhất cho phép sản xuất màn hình dẻo do sử dụng thân nhựa dẻo. Nhưng sẽ phải thêm nhiều thời gian nữa để các nhà sản xuất có thể tích hợp màn hình dẻo vào các sản phẩm thực tế như smartphone và các sản phẩm điện tử khác. Tuy vậy, vẫn có thể dự đoán được rằng sự thay đổi mà màn hình dẻo đem lại sẽ là rất lớn. Thế giới đang ngày một phẳng hơn, nhưng rất có thể thế giới di động sẽ sớm chứng kiến một bước đi ngược lại: cong và dẻo hơn nữa.
Theo VnReview