Từ xưa đã có câu nói rằng "Trai sợ gái mắt sâu chân rung, gái sợ trai hai tai hứng gió". Câu này nhấn mạnh sự quan trọng của việc chọn lựa bạn đời, nhắc nhở cả nam và nữ về trách nhiệm của họ trong việc chọn người yêu, chồng hay vợ.
Trai sợ gái mắt sâu chân rung
Trong nhân tướng học có câu: “Tướng do tâm sinh, xem tướng biết người”. Thông qua dáng đứng, tướng ngồi người ta có thể dự đoán được vận mệnh cả đời của một người.
Đối với câu nói “Trai sợ mắt sâu chân rung”, mắt sâu ở đây ý chỉ người phụ nữ có mí mắt thấp, khi nhìn người không dám nhìn thẳng mà luôn cụp xuống. Đây là biểu hiện của những người phụ nữ thiếu quyết đoán, làm việc gì cũng phân vân đắn đo, nửa muốn nửa không, khiến mọi chuyện dễ bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Những người có tính cách này khi gặp vấn đề trong cuộc sống thường không nghĩ đến cách giải quyết, thái độ hời hợt, không màng hậu quả. Vì thế, chuyện nhỏ xé ra to, rắc rối ngày càng lớn, đối với hôn nhân gia đình không thể giữ được sự hài hòa ổn định.
Ảnh minh họa.
Còn “chân rung” là chỉ tư thế đi đứng, ngồi của phụ nữ. Nếu một người phụ nữ đi, đứng, ngồi lúc nào cũng lắc lư, đôi chân thường xuyên rung động sẽ tạo cho mọi người cảm giác chông chênh.
Người xưa rất coi trọng tác phong đi đứng, ngồi, đặc biệt của người phụ nữ. Họ cho rằng, tác phong chính là ngôn ngữ cơ thể tiết lộ cho mọi người biết bạn là người như thế nào.
Khi một người phụ nữ bước đi mà luôn lắc lư đôi chân hoặc có thói quen rung chân khi ngồi, điều này mang tới cảm giác phù phiếm. Người xưa quan niệm, người phụ nữ này không thích hợp làm vợ.
Tục ngữ còn có câu: "Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi". Xét trong lễ nghi truyền thống phương Đông, mỗi việc đều có chuẩn mực riêng.
Cử chỉ, tư thế đúng mực thể hiện người lịch sự, được giáo dục đàng hoàng, dễ được mọi người yêu quý. Ngược lại, người có hành vi thất lễ, thô tục thường là kẻ “phàm phu tục tử”, hành xử lỗ mãng.
Cổ nhân quan niệm, người phụ nữ rung chân không chỉ là thói quen mất lịch sự mà còn rất vô duyên. Thói quen này dễ khiến mọi người cảm thấy phản cảm, khó chịu, đặc biệt khi đối mặt với người lớn tuổi. Vì thế, người xưa mới khuyên đàn ông lấy vợ không nên chọn gái “mắt sâu, chân rung”.
Nữ sợ trai hai tai hứng gió
Không riêng gì phụ nữ mà nam giới cũng có nhiều điều kiêng kỵ về ngoại hình. Người xưa có câu: “Nữ sợ trai hai tai hứng gió” hay người ta còn gọi là tai bay vạ gió.
Người xưa quan niệm, người có đôi tai “hứng gió” đa phần là người hướng ngoại, chuyện gì cũng nói toẹt hết ra, nếu hàng xóm láng giềng có chuyện gì họ cũng thích đưa chuyện hỏi han, sau đó “buôn” hết người này sang người khác.
Chưa kể, những người này thường xuyên khoác lác, khoe khoang bản thân, tự mãn đến cực điểm. Vì thế, người xưa cho rằng, người đàn ông mà có “hai tai hứng gió” chỉ thích thể hiện mà thôi, khuôn phép quá nhỏ, không thể làm nên việc lớn.
Ảnh minh họa.
Chưa kể, người xưa còn có câu nói rằng: “Hai tai hướng về phía trước và hướng về phía gió, phá hết tài khí của gia đình và tổ tiên”. Người đàn ông như vậy không chỉ tính khí xấu mà phong thủy cũng xấu, không được khía cạnh nào.
Nếu tai vểnh ra phía trước (hay còn gọi là chiêu phong nhĩ), đây là biểu hiện của người có tướng số phá hoại, tán gia bại sản, chỉ thích sống nương nhờ vào người khác.
Không chỉ ỷ lại, sống ăn bám mà những người này còn lười biếng, không thích làm việc. Chưa kể, nếu tai lại còn vừa mỏng vừa lệch thì tài sản làm ra được bao nhiêu đều tiêu tán sạch.
Những người đàn ông sở hữu đôi tai này thường không có chính kiến, gió chiều nào xoay chiều đấy. Thế nên người xưa mới dạy, người có tai vểnh ra trước là kẻ tiểu nhân. Những người này chỉ chờ trực người khác sơ hở là cướp mất cơ hội để mang lợi lộc về cho mình.
Nếu một người phụ nữ không may lấy phải một người đàn ông như thế sẽ phải chịu khổ chịu sở cả cuộc đời.
(*) Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)