Theo kinh nghiệm của nhiều tài xế giàu kinh nghiệm dù là xe số sàn hay số tự động thì vẫn phải dùng phanh động cơ khi xuống dốc. Cách này vừa đảm bảo an toàn lại tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể.
Có thể có một số người cho rằng khi máy chạy ở chế độ ga-răng-ti (số N) thì sẽ tiết kiệm nhiên liệu nhất. Điều đó đúng nhưng chỉ đúng một phần. Số N sẽ duy trì động cơ hoạt động ở vòng tua thấp nhất có thể mà không tắt máy, vì thế sẽ có người cho rằng số N tiết kiệm nhiên liệu nhất.
Tuy nhiên, số N chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu khi xe đang đứng yên, còn khi đang xuống dốc thì khác. Động cơ sẽ cần xăng liên tục để duy trì máy ở chế độ ga-răng-ti nhưng khi đang xuống dốc và động cơ đang ghìm cả chiếc xe lại thì mức tiêu thụ nhiên liệu còn thấp hơn nhiều.
Về mặt an toàn, khi để xe ở số N và xuống dốc, xe sẽ ở chế độ trôi tự do mà không chịu một chút cản trở nào của động cơ. Khi đó, người lái sẽ phải sử dụng phanh ở mức tối đa để giảm tốc của xe.
Đối với quãng dốc ngắn, phanh vẫn có thể hoạt động trơn tru theo ý người lái nhưng với quãng đường dốc dài và vào cua liên tục sẽ rất mất an toàn. Vì phải hoạt động liên tục để giảm tốc khi gặp các đoạn cua, phanh có thể gặp tình trạng quá nhiệt và hoạt động không hiệu quả. Trong trường hợp xấu hơn, phanh sẽ mất hoàn toàn tác dụng.
Trong khi đó, nhiều tài xế với kinh nghiệm lâu năm cho rằng phanh bằng số hiệu quả và an toàn hơn. Có một mẹo nhỏ là “lên số nào xuống số đó”, mẹo này tương đối chính xác với các đoạn đường dốc. Ví dụ khi lên dốc để số 2 thì xuống dốc để số 2 là tương đối an toàn.
Ngoài ra, phanh bằng số còn giúp người lái hạn chế số lần phải dùng đến phanh, từ đó tránh tình trạng má phanh phải làm việc quá tải dẫn đến mất tác dụng.
Kinh nghiệm lái xe xuống dốc an toàn
Nên xuống dốc bằng số thấp
Bạn chỉ nên xuống dốc bằng số thấp để xe được hãm bằng động cơ, qua đó giúp kiểm soát tốc độ xe mà không cần sử dụng phanh nhiều. Bên cạnh đó, khi xuống dốc bạn không nên chuyển số về N, tránh để xe rơi vào trạng thái tự do và không thể kiểm soát.
Không rà phanh
Rà phanh liên tục sẽ khiến phanh nhanh nóng, má phanh và đĩa nhanh bị mòn, cháy hoặc xảy ra tình trạng mất phanh. Do đó, bạn không nên rà phanh suốt quãng đường xuống dốc mà hãy về số thấp để tận dụng lực hãm từ động cơ. Trường hợp cần đạp phanh thì nên đạp dứt khoát.
Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Bạn nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước từ 4 – 10 giây khi lên dốc và xuống dốc. Nếu dốc đứng hoặc đường trơn trượt, khoảng cách nên giữ tối thiểu là 10 giây. Bên cạnh đó, khi leo dốc, bạn không nên bám sát đuôi xe phía trước để đảm bảo an toàn.
Khi xuống dốc phải giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước.
Nhường đường cho xe đang lên dốc
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe xuống dốc phải nhường đường cho xe lên dốc vì khi leo dốc, xe cần nhiều đà hơn để không bị tụt. Do đó, tài xế cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.
Luôn đi bám vào phần đường bên phải
Khi xuống dốc khúc quanh, bạn nên lái xe đi bám vào phần đường bên phải và không nên chạy nhanh nhằm hạn chế lực ly tâm đẩy ra làm xe bị lật hoặc xử lý phanh không kịp dẫn tới tai nạn. Bài viết trên của VIETMAP đã hướng dẫn cách lái xe ô tô xuống dốc, lên dốc bằng ô tô số sàn và ô tô số tự động. Hy vọng nội dung này sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về các kỹ thuật lái xe đúng chuẩn để có một chuyến đi an toàn và đúng luật.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)