Cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn. Để giải quyết bài toán môi trường này, nhiều công ty trên khắp thế giới đang cố gắng phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường hơn. Một giải pháp đặc biệt mang tính cách mạng đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây là ô tô điện. Tuy nhiên, chúng có thực sự thân thiện với môi trường không, bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn khách quan hơn.
Xe ô tô điện là gì?
Nhiều người sẽ đoán được ngay, một chiếc ô tô điện không chạy bằng xăng hay dầu diesel như những chiếc ô tô truyền thống mà hầu hết mọi người sử dụng. Thay vào đó, nó hoạt động dựa vào điện.
Những chiếc xe này có động cơ điện, bộ chuyển đổi điện và pin, tất cả đều có thể tạo ra chuyển động mà không cần sử dụng nhiên liệu truyền thống. Chúng cũng yêu cầu một hệ thống nhiệt để duy trì nhiệt độ hoạt động tiêu chuẩn và một cổng sạc trên bo mạch cho phép sạc pin dễ dàng.
Có thể bạn chưa biết, việc sạc xe ô tô điện không thực sự giống như sạc điện thoại hoặc máy tính xách tay. Trong khi chúng ta thường sạc các thiết bị này cả ngày thì hầu hết các xe ô tô điện chỉ cần được sạc 1-2 lần/tháng.
Đương nhiên, nếu bạn lái xe nhiều, bạn có thể cần phải sạc xe thường xuyên hơn, nhưng chắc chắn là bạn sẽ không bao giờ phải cắm sạc ô tô của mình mỗi ngày. Điều này khiến chúng khá tiện lợi khi sử dụng.
Chủ sở hữu ô tô điện có xu hướng sạc ô tô tại nhà, nhưng hiện nay, ở Mỹ có những trạm sạc điện công cộng hoạt động giống như trạm xăng. Tuy nhiên, không giống như việc đổ xăng, hầu hết các trạm sạc đều được sử dụng hoàn toàn miễn phí.
Ưu điểm lớn của ô tô điện là nó không thải ra khí thải độc hại vào bầu khí quyển. Ô tô chạy bằng xăng dầu khi hoạt động sẽ thải ra môi trường khí carbon dioxide, một trong những nguyên nhân gây lên hiệu ứng nhà kính.
Những loại khí như carbon dioxide là nguyên nhân rất lớn làm tăng nhiệt độ toàn cầu, khiến các chỏm băng ở hai cực của Trái Đất tan chảy và mực nước biển dâng cao.
Vì ô tô điện không cần nhiên liệu, chúng không có ống xả và không thải ra khí carbon dioxie nên chúng dường như là giải pháp cuối cùng trong nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính? Nhưng điều này thực sự không đơn giản như vậy.
Xe ô tô điện có thực sự thân thiện với môi trường hay không?
Mặc dù ô tô điện không trực tiếp phát ra khí thải khi sử dụng, nhưng lượng khí thải carbon của chúng không phải là không có. Quá trình sản xuất ô tô điện tiêu tốn nhiều năng lượng và có tác động đáng kể tới môi trường.
Điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy việc sản xuất ô tô điện tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với sản xuất ô tô chạy bằng xăng dầu. Cũng vì thế mà quá trình sản xuất ô tô điện có lượng khí thải carbon cao hơn. Điều này chủ yếu là do các vật liệu cao cấp để sản xuất ô tô điện.
Các kim loại cần thiết để cấu tạo nên một chiếc ô tô điện sẽ nhẹ hơn so với những kim loại cần thiết cho các phiên bản truyền thống. Tuy nhiên, việc sản xuất các kim loại hiệu suất cao này đòi hỏi rất nhiều năng lượng, lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất ô tô điện cũng tăng theo.
Trên hết, điều quan trọng là ô tô điện vẫn cần một dạng năng lượng để hoạt động. Vì vậy, mặc dù việc sử dụng điện để hoạt động không trực tiếp giải phóng nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc sản xuất điện rất thì rất có thể.
Ví dụ, giả sử bạn là công dân Mỹ và bạn đang sở hữu một chiếc ô tô điện. Vì 83% điện năng của Hoa Kỳ đến từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo (hoặc nhiên liệu hóa thạch) như than, dầu và khí đốt, nên rất có thể bạn đang sạc ô tô điện của mình bằng từ các nguồn tài nguyên gây hại cho môi trường.
Việc sản xuất điện thông qua các vật liệu này đòi hỏi chúng phải được đốt cháy, giải phóng một lượng lớn khí cacbonic vào bầu khí quyển. Vì vậy, mặc dù ô tô điện không trực tiếp thải ra khí nhà kính, nhưng chúng vẫn đang đóng một vai trò trong việc phát thải các loại khí đó khi xe được sạc.
Như vậy, cả ô tô điện hay ô tô truyền thống đều không thể tránh được một số loại khí thải carbon. Vậy có phải việc phát minh ra ô tô điện là vô giá trị?
Có nên mua xe ô tô điện không?
Một chiếc ô tô điện trung bình cần khoảng 15kWh điện để đi được quãng đường 100km. Vì vậy, trung bình, nó sẽ chỉ cần dưới 2.000kWh một năm để hoạt động.
Về mặt tài chính, điều này sẽ có giá thấp hơn đáng kể so với một chiếc xe hơi truyền thống. Với những con số trung bình được đề xuất, bạn sẽ chỉ cần tiêu tốn khoảng 660 USD/năm để cung cấp năng lượng cho một chiếc ô tô điện - một cái giá khá phải chăng.
Một điều quan trọng cần lưu ý là giá một chiếc ô tô điện có xu hướng đắt hơn ô tô truyền thống. Bạn có thể mua một mẫu xe ô điện cơ bản của Tesla với giá khoảng 42.000 USD. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận được một chiếc Audi A4 siêu đẹp chạy bằng xăng với mức giá tương tự.
Bạn cũng có thể mua một chiếc BMW 2 series với mức giá mềm hơn, trung bình khoảng 35.000 USD. Và còn rất nhiều mẫu xe chạy bằng xăng khác với mức giá rẻ hơn đáng kể, chẳng hạn như Kia hoặc Toyota.
Về tác động môi trường, điều này thực sự khác biệt với từng mẫu xe ô tô. Những chiếc ô tô điện trung bình có lượng khí thải carbon thấp hơn những chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu diesel.
Mặc dù cần nhiều năng lượng hơn để sản xuất ô tô điện, vòng đời của chúng tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn so với các phương tiện truyền thống. Trên thực tế, người ta đã phát hiện ra rằng một chiếc ô tô điện vẫn thải ra lượng CO2 ít hơn 22% so với xe chạy bằng dầu diesel và 28% so với xăng.
Vì vậy, lợi ích môi trường của ô tô điện là khá rõ ràng. Mặc dù giá thành của chúng có thể đắt hơn, nhưng chi phí vận hành thấp hơn và tác động tốt tiêu cực đến môi trường ít hơn khiến chúng trở thành lựa chọn tốt hơn cho hành tinh của chúng ta so với các phương tiện truyền thống.
Với những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra một cách đáng lo ngại, chúng ta có lẽ sẽ cần nỗ lực hơn nữa vào việc tạo ra một thế giới không có carbon.
Mặc dù ô tô điện ngày càng trở nên phổ biến, việc tìm ra các giải pháp xanh hiệu quả hơn trong các khía cạnh khác của cuộc sống để “giải cứu” hành tinh. Hy vọng, trong vài thập kỷ tới, chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn nữa những giải pháp xanh mới, hiệu quả hơn.
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)