Thực tế, tình trạng hết xăng vẫn diễn ra thường xuyên. Vậy nên, khi đèn báo nhiên liệu bật sáng, đừng coi đó chỉ là một lời nhắc nhở, mà hãy xem đó là một tín hiệu khẩn cấp. Việc chần chừ quá lâu có thể dẫn đến hư hỏng hệ thống nhiên liệu, chi phí sửa chữa đắt đỏ hoặc một cuộc gọi cứu hộ đầy khó xử. Hãy tự bảo vệ mình khỏi những rắc rối này bằng cách tạo thói quen kiểm tra mức nhiên liệu thường xuyên. Tốt nhất là hãy đổ đầy bình trước khi mức xăng xuống dưới 1/4.
Đèn báo nhiên liệu sáng, phải làm gì? (Ảnh minh họa).
Thông thường, đèn báo nhiên liệu sáng là khi bình xăng của bạn còn đủ để đi thêm khoảng 50 đến 80 km. Mặc dù một số xe hiển thị ước tính quãng đường cụ thể, các chuyên gia vẫn khuyến cáo con số này có thể không chính xác. Tốc độ, điều kiện lái và thậm chí áp suất lốp đều có thể khiến quãng đường ước tính giảm đột ngột.
Vậy, ngoài nguy cơ "chết máy" giữa đường, còn những rủi ro nào khác đang chờ đợi khi đèn báo nhiên liệu sáng mà chúng ta cố lái?
Nguy cơ hư hỏng bơm nhiên liệu
Bơm nhiên liệu là trái tim của hệ thống cấp xăng, có nhiệm vụ hút nhiên liệu từ bình lên động cơ. Bộ phận này không chỉ cần xăng để hoạt động mà còn để được làm mát và bôi trơn.
Nếu bạn thường xuyên để bình xăng gần cạn hay lái xe khi đèn báo nhiên liệu sáng thì bơm nhiên liệu dễ bị quá nhiệt hoặc mòn nhanh hơn. Chi phí thay thế một chiếc bơm mới thường không hề rẻ, có thể dễ dàng vượt quá 25 triệu đồng (bao gồm phụ tùng và công thợ).
Cặn bẩn tích tụ
Theo thời gian, cặn và mảnh vụn sẽ lắng đọng dưới đáy bình xăng. Khi nhiên liệu cạn, bơm sẽ phải hút trực tiếp từ khu vực chứa đầy cặn bẩn này. Điều này có thể làm tắc bộ lọc nhiên liệu hoặc hỏng kim phun, tương tự như việc bắt động cơ hoạt động với "nước bùn".
Yếu tố an toàn
Việc hết xăng khi đang di chuyển ở tốc độ cao trên đường có thể khiến bạn đột ngột mất trợ lực lái và trợ lực phanh. Tình huống này không chỉ gây bất tiện mà còn cực kỳ nguy hiểm. Nếu xảy ra vào ban đêm, trong thời tiết xấu hay giữa đợt nắng nóng, đây thực sự là một trường hợp khẩn cấp trên đường.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)