Những phượt thủ hay dân phượt lâu năm có lẽ đã quá quen thuộc với những cung đường quanh co trên sườn núi hiểm trở. Tuy nhiên, những ai chưa từng hoặc ít kinh nghiệm đi đường núi sẽ cần biết một số lưu ý quan trọng.
Để đảm bảo an toàn cho bạn một cách tối đa khi đi trên những cung đường đồi núi hiểm trở, khó đoán, việc chuẩn bị trước và trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết là vô cùng quan trọng.
Nếu không trang bị đầy đủ trước chuyến đi lái xe trên cung đường núi, chúng ta có thể gặp phải những tình huống khó khăn gấp trăm lần khi chúng ta di chuyển ở khu vực đồng bằng. Dưới đây là 8 mẹo lái xe đường núi quan trọng bạn cần biết để có một chuyến đi an toàn và thuận lợi nhất.
1. Chuẩn bị tốt cho phương tiện của bạn
Nhiều tài xế có thể lơ là và bất cẩn về việc thay dầu, kiểm tra động cơ hoặc những tiếng động cót két phát ra từ ô tô. Bạn có thể cho rằng đây là những vấn đề nhỏ không đáng quan tâm. Do chủ quan, một số vấn đề có thể chuyển biến xấu nhanh chóng và trở nên khó kiểm soát. Vì vậy, những vấn đề này không bao giờ được bỏ qua, đặc biệt là khi bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi cung đường núi.
Khi di chuyển trên đường đồi núi, nếu bộ phận nào đó của xe bị hỏng thì sức bền của xe sẽ giảm sút nghiêm trọng, có thể dẫn đến hỏng hoàn toàn động cơ, các bộ phận khác cũng theo đó mà bị ảnh hưởng. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy hai bên đường núi thường ngổn ngang những mảnh vỡ do những chiếc xe hư hỏng phía trước để lại.
Sẽ thật kinh khủng nếu bạn bị kẹt giữa một con đường xa xôi hiểm trở mà không có ai đến giúp đỡ trong vòng một hoặc hai giờ đồng hồ, đó là chưa kể đến số tiền bạn phải bỏ để thuê một chiếc xe kéo để kéo chiếc xe hỏng của mình trở về nhà. Đó chắc chắn là một trải nghiệm rất tồi tệ.
Nếu bạn muốn bắt đầu lái xe lên những ngọn núi để khám phá mọi thứ, hãy đảm bảo rằng xe của bạn được bảo dưỡng tốt và ở tình trạng tốt nhất có thể trước khi khởi hành.
2. Luôn kiểm tra dự báo thời tiết trước
Nếu bạn sống ở một khu vực miền núi, bạn có thể đã quá quen với sự thay đổi liên tục của thời tiết. Tuy nhiên, nhiều người đến từ những nơi khác không phải lúc nào cũng biết cách đối phó hiệu quả với những gì sẽ xảy ra trên núi vì mọi thứ không thể đoán trước được.
Những ngọn núi luôn biết cách “tạo” ra những kiểu thời tiết khá “điên rồ” mà không ai muốn chứng kiến trong chuyến đi của mình. Đó có thể là một chuyến đi bắt đầu với bầu trời xanh, mây trắng và gió mát, nhưng ngay khi bạn lên đến đỉnh núi, bạn sẽ gặp phải một trận bão hay mưa lớn bất ngờ với tầm nhìn dường như trở về con số 0.
Bất kể bạn làm gì, hãy dành thời gian để kiểm tra điều kiện thời tiết trước khi lên đường hoặc trong hành trình của bạn, hoặc trước khi lái xe qua bất kỳ ngọn đồi hay núi nào.
3. Đề phòng sự tấn công của các động vật hoang dã
Một lưu ý quan trọng khác trong số các mẹo an toàn khi lái xe leo núi ngày nay là hãy cẩn thận với động vật hoang dã. Các cuộc tấn công từ động vật hoang dã rất phổ biến ở các khu vực miền núi. Một điều phổ biến của bất kỳ người dân miền núi nào là trên xe của họ luôn có những thanh đẩy, thanh chắn. Điều này cũng rất dễ hiểu vì va chạm với động vật hoang dã trên núi là không thể tránh khỏi.
Những ngọn núi từ lâu đã là nơi sinh sống của vô số động vật hoang dã. Địa hình đồi núi khiến một số lượng lớn các loài phải “sang đường” và việc chẳng may đâm vào một con vật nào đó trên cung đường này có thể sẽ là một nguyên nhân bất ngờ gây ra tai nạn.
Tốt nhất, bạn không nên lái xe vào ban đêm, thời điểm động vật không nhìn thấy đường rõ ràng như ban ngày và xuất hiện với số lượng lớn. Tuy nhiên, ngay cả trong ánh sáng ban ngày, hãy cảnh giác với chúng.
4. Đổ đầy xăng vào bình chứa
Đây là một trong những mẹo lái xe đường núi mà mình muốn mọi người chú ý nhất. Ở một số khu vực miền núi, bạn có thể đi hơn 100 km mà vẫn không gặp được bất kỳ trạm xăng nào. Nhưng nếu bạn thấy một trạm xăng nhỏ ở đâu đó sâu trong núi, bạn có thể sẽ phải trả nhiều hơn cho mỗi lít xăng.
5. Phanh sớm trước khi rẽ
Hiểu kỹ về cách lái xe trên núi có thể giúp bạn tránh được nguy hiểm tiềm ẩn. Mặc dù bạn có thể không chú ý nhiều đến các biển báo tốc độ cho phép khi di chuyển trên các khu vực bằng phẳng, nhưng bạn nên chú ý hơn đến các biển báo này ở vùng núi. Rẽ ngoặt rất phổ biến ở các khu vực miền núi. Nếu bạn đang xuống dốc, bạn sẽ cần phanh sớm để di chuyển chậm lại để đảm bảo an toàn.
Việc phanh sớm sẽ rất hữu ích cho sự ổn định của chiếc xe. Nếu bạn cố gắng phanh quá mạnh sau khi vào một khúc cua, tất cả động lượng đó sẽ dồn về phía trước, khiến chiếc xe của bạn càng khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, nếu bạn phanh sớm và sau đó tăng tốc qua khúc cua, động lượng này sẽ chuyển về phía sau xe, giúp bạn kiểm soát tốt hơn nhiều.
6. Phanh và xuống số trước khi xuống dốc
Nhiều người lái xe không định phanh trước khi xuống dốc, mà thay vào đó, họ bắt đầu phanh khi đã xuống được nửa đường, thời điểm mà tốc độ của xe đã tăng lên. Đây là cách sử dụng phanh không đúng. Tất cả các tay đua, kể cả những người lái xe hạng nhẹ, nên đạp phanh trước khi xuống dốc. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí bảo trì mà còn là một phương pháp kiểm soát tốc độ an toàn hơn nhiều.
7. Cẩn thận với những thay đổi nhiệt độ/thời tiết bất thường
Sương mù cũng là một vấn đề lớn khi lái xe trên cung đường núi
Như bạn có thể đã biết, nhiệt độ thay đổi theo độ cao. Một số con đường có thể đưa bạn lên và xuống hàng trăm mét chỉ trong một khoảng cách ngắn. Ai đi đường núi lâu năm cũng từng trải qua: bắt đầu leo khi trời còn trong xanh, nắng đẹp, cho đến khi lên đến đỉnh thì mưa bão dường như sắp nuốt chửng mình.
Tầm nhìn của bạn có thể từ vô cùng rõ ràng đến cực kỳ hạn chế trong vài giây. Từ nhiệt độ, lượng mưa đến tầm nhìn - tất cả đều có thể thay đổi nhanh chóng đến mức bạn không thể biết trước.
8. Mang theo thức ăn, nước uống và bộ dụng cụ sơ cứu khẩn cấp
Có rất nhiều lý do khiến bạn có thể gặp khó khăn khi lái xe trên đường núi, từ bị động vật đâm phải, bị mắc kẹt trong thời tiết xấu đến tai nạn ô tô hoặc sự cố.
Tín hiệu di động có thể không khả dụng và ở những khu vực hẻo lánh, bạn thậm chí có thể không nhìn thấy các phương tiện giao thông khác trong nhiều giờ (hoặc nhiều ngày nếu thời tiết xấu). Ngay cả khi bạn có thể gọi điện thoại, có thể mất hàng giờ cho đến khi ai đó có thể liên hệ được với bạn.
Vì vậy, điều quan trọng là phải mang theo thức ăn, nước uống và một số bộ quần áo để đảm bảo rằng bạn sẽ ở trong tình trạng tốt trong ít nhất vài ngày. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn có mang theo một số dụng cụ cần thiết để sửa chữa những hư hỏng nhỏ của ô tô như thay lốp.
Trên đây là một vài mẹo lái xe leo núi hữu ích cho chuyến hành trình dài sắp tới của bạn. Hy vọng rằng chúng sẽ giúp các tài xế có quá trình chuẩn bị tốt hơn và có thể hiểu thêm về một số lưu ý quan trọng khi đi trên những cung đường hiểm trở, ít người ở vùng sâu, vùng xa.
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)