Lái xe ô tô ở tốc độ bao nhiêu sẽ tiết kiệm nhiên liệu nhất?
Theo các chuyên gia, duy trì tốc độ xe trong khoảng từ 48 – 80 km/h được xem là cách tiết kiệm nhiên liệu nhất. Khi đó lực cản gió không lớn và động cơ chuyển sang số cao cho chỉ số km/vòng quay tối ưu hơn.
Nhiều người nghĩ rằng kỹ năng lái xe tiết kiệm xăng là lái xe tốc độ chậm. Tuy nhiên thực tế điều này không mang lại lợi ích. Bởi khi lái xe chậm, vòng tua máy vẫn ở mức 1.000 – 3.000 vòng/phút, xe chuyển về số thấp, số vòng quay động cơ trên km sẽ lớn hơn.
Ngược lái xe nhanh, xe chuyển về số cao, vòng tua máy ở mức 1.000 – 3.000 vòng/phút, số vòng quay động cơ trên km thấp hơn. Nhưng lái xe nhanh lại có một nhược điểm đó là xuất hiện lực cản không khí lớn hơn lái xe chậm. Khi lực cản không khí tăng động cơ sẽ phải làm việc vất vả hơn để thắng lực cản này. Đồng nghĩa sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Theo một nghiên cứu, khi tốc độ xe tăng lên gấp đôi thì lực cản không khí sẽ tăng lên gấp bốn.
Ngoại trừ xe được thiết kế khí động học, tất cả xe còn lại khi chạy ở tốc độ 96-104 km/h đều không đạt chỉ số tiết kiệm nhiên liệu/km tối ưu.
Lái xe ô tô thế nào để tiết kiệm nhiên liệu?
Kỹ thuật lái xe ô tô ô tô đúng cách là điều hết sức quan trọng liên quan đến vấn đề tiết kiệm nhiên liệu của xe. Hãy ghi nhớ những kinh nghiệm dưới đây nhé:
Giữ đều ga, tránh nhồi ga
Kỹ thuật lái xe ô tô tiết kiệm xăng hiệu quả nhất là chính là lái xe ổn định, giữ đều ga. Khi xe ổn định, giữ đều ga càng lâu sẽ càng có thể tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu. Ngược lại nếu xe thường xuyên tăng giảm ga đột ngột, đạp thốc ga thì sẽ khiến xe tốn nhiên liệu hơn.
Giữ đều ga ở đây không hẳn là nói về tốc độ mà chính xác hơn là bàn về vòng tua máy. Khi vòng tua máy xe ở mức ổn định, không bị tăng/giảm liên tục thì xe sẽ tiết kiệm xăng. Trái lại nếu đạp nhồi ga thường xuyên, khiến vòng tua máy bị đẩy lên cao sẽ làm xe hao xăng hơn. Do đó để tiết kiệm nhiên liệu nên cố gắng giữ đều ga, tránh đạp nhồi ga sau khi đề pa xe, sau khi phanh hay sau khi dừng đèn đỏ…
Hạn chế phanh gấp
Hạn chế phanh ở đây không có nghĩa là khuyên người lái không sử dụng phanh. Phanh là một hệ thống giúp dừng xe để đảm bảo an toàn thì tất nhiên phải dùng trong các trường cần thiết. Và điều muốn nói ở đây là “sự cần thiết”.
Nếu phát hiện chướng ngại vật hay đèn đỏ từ xa nên giảm chân ga để xe giảm tốc từ từ thay vì đợi khi gần đến mới phanh gấp. Phanh gấp sẽ làm cho xe bị mất trớn. Điều này tạo thêm áp lực khiến động cơ phải hoạt động nhiều hơn. Do đó càng phanh gấp nhiều xe sẽ càng hao xăng hơn.
Không chở quá tải
Khi chở quá tải, động cơ sẽ phải “gánh vác” nhiều hơn, vất vả hơn nên sẽ hao xăng hơn. Chở quá tải không chỉ khiến xe tốn xăng hơn mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn. Do đó không nên chở quá tải.
Không hạ cửa sổ khi chạy tốc độ cao
Không ít người lầm tưởng khi chạy tốc độ cao như lái xe trên cao tốc thì tắt điều hoà xe, hạ cửa sổ là một cách tiết kiệm xăng. Tuy nhiên thực tế có thể trái ngược. Bởi hạ cửa kính sẽ khiến tăng lực cản gió, làm động cơ phải hoạt động vất vả hơn để thắng lực cản này. Do đó sẽ càng tốn xăng hơn. Vì thế không nên hạ cửa sổ khi chạy tốc độ cao.
Tắt máy khi dừng đèn đỏ lâu
Khi dừng đèn đỏ, động cơ sẽ chạy ở dạng không tải nên vẫn tiêu thụ nhiên liệu nhưng sẽ thấp hơn so với lúc xe chạy trên đường. Tuy nhiên, nếu tắt máy thì động cơ sẽ phải khởi động lại máy, điều này ảnh hưởng đến củ đề và ắc quy xe. Do đó vì tiết kiệm một chút nhiên liệu nhưng lại “tổn thọ” củ đề và ắc quy thì xét tổng thể việc tắt máy khi dừng đèn đỏ chưa hẳn có lợi về kinh tế. Thế nên theo các chuyên gia chỉ khi dừng đèn đỏ lâu mới cần tắt máy xe.
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)