Làm mứt dừa không khó nhưng cũng không hiếm trường hợp các bà nội trợ làm hỏng. Để tránh tình trạng này thì ngay trong khâu trọn nguyên liệu và sên cũng phải chú ý rất nhiều.
Đầu tiên là khi chọn dừa làm mứt phải chọn dừa có độ non khá đều nhau, không lấy dừa có độ cứng, mềm không đồng đều, thì khi làm sẽ không thành công.
Dừa non khi mua, chỉ nhờ người bán nạo hộ vỏ vàng bên ngoài. Khi mua dừa về, cắt đôi quả dừa, rửa sạch, ngâm dừa vào chậu nước to cho ngập dừa tầm 2 tiếng. Sau đó, vớt ra, rửa đi rửa lại cho sạch nhờn dầu trên dừa.
Tất cả các miếng dừa khi cắt ra, phải có độ dày bằng nhau. Nếu mua phải quả dừa có phần cùi già hơn các miếng khác, thì phải thái với độ dày bằng đúng một nửa miếng dừa non để khi sên có thể khô đồng đều.
Dừa non thái dày sẽ ngon hơn thái mỏng. Và cũng không nên thái quá dài, sợi mứt bị đan lằng nhằng vào nhau, sẽ khiến cho đường khó khô được.
Phải ướp đường kĩ cho nước trong miếng dừa tiết ra thật hết. Còn nếu thái dày sẽ ướp tăng thời gian lên.
Tỉ lệ đường dừa: 1kg dừa sợi ướp với 5 lạng đường, không được ít hơn vì nếu không món mứt rất dễ hỏng.
Sau khi ướp đường, cho tất cả chỗ dừa đã ướp vào nồi to, đun lần 1. Đun cho dừa và nước đường sôi tầm 10 phút lửa trung bình, đảo đều 1 hai lần trong quá trình đun, thì tắt bếp để qua đêm. Đun rồi để nguội như thế giúp dừa ngấm đường tốt hơn và sợi mứt khô ráo hơn khi sên xong.
Cho cả dừa sợi và nước đường vào chảo. Ban đầu khi nước đường còn nhiều, hãy bật bếp mức to nhất. Khi nước đường sôi tầm 3 phút, hạ lửa xuống 1 mức, cho nước tiết ra và cạn dần dần, vừa trông vừa đảo, thì sẽ hạn chế tối đa việc mứt bị ướt.
Khi nước còn nhiều, không cần đảo quá nhiều. Khi nước cạn dần, sẽ giảm dần lửa theo độ cạn dần của nước đường. Đến khi đường keo lại, các sợi dừa dính vào nhau, thì để mức lửa nhỏ nhất. Khi mứt trắng phấn, bông ra thì tắt bếp, đảo tại chảo từ 10 - 15 phút nữa cho sợi mứt khô ráo hoàn toàn. Sau đó, đổ ra mâm, nia có lót giấy cho mứt thật nguội rồi cho vào túi kín bảo quản.
Nguồn ảnh: TH
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)