Trong thời điểm nhiều hàng quán phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh, thì việc ăn uống tại nhà được nhiều người lựa chọn. Ngoài bữa cơm nhà tươm tất, các chị em cũng có thể học thêm một số công thức làm các món nhậu để chiêu đãi ông xã. Thay vì tụ tập bạn bè trong thời điểm này thì việc hai vợ chồng ngồi lại với nhau nhậu cùng nhau cũng là gợi ý thú vị.
Dưới đây là cách làm 10 món nhậu dễ làm tại nhà:
1. Sườn sụn chiên ngũ vị
Bước 1: Sườn sụn rửa sạch, cắt thành những miếng dài khoảng 5cm. Đổ sườn sụn vào tô. Thêm gừng, hành lá đã cắt nhỏ, thêm 1/3 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng canh bột ngũ vị hương, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh giấm, 1 muỗng canh rượu, 2 muỗng canh nước tương và trứng gà vào. Dùng đũa trộn sao cho sườn ngấm đều gia vị và để khoảng nửa tiếng.
Bước 2: Đổ 50g bột chiên vào tô sạch, lăn sườn sụn đã ướp qua bột sao cho bột bám và phủ đều thịt. Đổ nhiều dầu ăn vào chảo, đun sôi và thả thịt vào chiên.
Bước 3: Chiên đến khi sườn sụn vàng giòn thì vớt ra để ráo dầu. Bày trí ra đĩa ăn cùng xà lách sẽ giảm ngấy do dầu mỡ. Chấm cùng tương cà, tương ớt.
2. Nem tai cuốn lá sung
Bước 1: Tai heo mua về dùng nước sôi già chần qua, cạo hết lông và chất bẩn.
Bước 2: Luộc tai heo với nước có pha chút muối, khi tai đã chín thì vớt ngay ra bát nước lạnh để tai heo giòn và trắng.
Bước 3: Trong khi chờ tai nguội thì chuẩn bị các phần khác: Lá sung, lá ổi, lá đinh lăng nhặt sạch, ngâm nước muối rồi vẩy ráo. Lá chanh cắt sợi chỉ.
Bước 4: Pha nước mắm chua ngọt: Cho mắm, đường, dấm, nước sôi theo tỉ lệ 1:1:1:2, chờ nước nguội rồi cho tỏi ớt băm nhỏ vào.
Bước 5: Cắt tai heo thật mỏng, sợi dài. Đổ tai heo vào tô, cho thính, lá chanh, chút muối vào. Trộn đều.
Bước 6: Sau đó đổ tai heo đã trộn ra đĩa. Khi ăn cuốn tai heo vào lá sung lớn rồi chấm nước mắm chua ngọt.
3. Đậu hũ rang muối sả
Bước 1: 200gr sả cây bạn chỉ lấy phần non ở giữa rồi đập dập, dùng tay xé nhuyễn rồi ướp sả với 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh bột chiên giòn. Trộn thật đều rồi bạn đem chiên ngập dầu.
Bước 2: 300gr đậu hủ non bạn cắt nhỏ hình quân cờ rồi chiên giòn.
Bước 3: Phi 15gr sả, 15gr ớt cho vàng rồi thêm đậu hủ vừa chiên đảo đều, nêm cùng 1/4 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng canh hạt nêm. Sau đó cho thêm sả đã chiên vào, trộn thật đều rồi tắt bếp.
Món này vừa có thể ăn cơm, vừa có thể làm mồi nhậu cho ông xã đều ngon.
4. Bê bóp thấu
Bước 1: Chuẩn bị tất cả các nguyên liệu. Rau rửa sạch. Thơm gọt vỏ, bỏ mắt, cắt lát mỏng.
Bước 2: Bê thui cắt mỏng, ướp với 1/2 muỗng cà phê dầu hào. Đun sôi 1 ít nước với 1 muỗng cà phê giấm, ½ muỗng cà phê đường, cho thịt bê vào chần sơ qua. Vớt thịt bê ra rá cho ráo nước.
Bước 3: Khế, hành tây, sả, chuối chát, ớt chuông bào mỏng. Tỏi bóc vỏ, để nguyên tép và phi cho vàng.
Bước 4: Ngâm hành tây, ớt vào nước đá có pha giấm đường cho bớt hăng.
Bước 5: Cho tất cả nguyên liệu vào thau. Trộn đều các nguyên liệu trên với ½ muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê hạt nêm và nước cốt 2 trái tắc. Để 10 phút cho tất cả ngấm gia vị.
Bước 6: Bày bê bóp thấu ra đĩa ăn cùng rau tía tô và chấm với tương đậu nành.
5. Đậu phộng da cá
Bước 1: Loại bỏ những hạt đậu phộng (lạc) bị lép hoặc mốc rồi đem rửa thật sạch. Cho đậu phộng vào tô cùng với 1 chút muối sau đó đổ nước ngập đậu phộng, ngâm khoảng 30 phút thì vớt ra để cho ráo nước.
Bước 2: Đổ đậu phộng vào tô sạch, thêm 1/4 muỗng cà phê muối, 35g đường sau đó trộn đều cho muối và đường tan, ướp đậu phộng khoảng 1 tiếng cho ngấm đường. Nếu có thời gian bạn cũng có thể ướp 2-3 tiếng càng ngon. Đậu phộng sau khi đã ướp đường xong thì vớt sang 1 cái tô khác. Rây 1/2 chỗ bột mì vào tô đậu phộng rồi xóc đều để đậu phộng được áo một lớp bột bên ngoài. Bạn tiếp tục rây nốt chỗ bột mì còn lại và xóc đều lần 2 cho bột bám dầy hơn.
Bước 3: Đun sôi nhiều dầu ăn rồi cho đậu phộng đã áo bột vào chảo dầu chiên, dàn đều để đậu phộng ngập trong dầu. Chiên khoảng 1-2 phút ở lửa vừa sau đó mới đảo nhẹ cho đậu phộng chín đều. Khi thấy vỏ đậu phộng chuyển màu vàng giòn thì vớt ra để ráo dầu, đặt đậu phộng da cá trên giấy thấm dầu. Đợi cho đậu phộng da cá nguội là có thể thưởng thức.
Đây là món ăn thường thấy trong đầu những buổi tiệc nhậu và trở thành món ngon rất hút người ăn.
6. Đậu hũ chiên giòn
Bước 1: Băm nhỏ hành boa rô. Ngò rí cắt thật nhỏ.
Bước 2: Đậu hũ rửa sạch, lau khô rồi dùng muỗng nghiền nát.
Bước 3: Trộn đều đậu hũ với hành boa rô, ngò rí, 2 muỗng canh nước tương và 30g bột chiên xù sao cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
Bước 4: Múc lấy từng muỗng canh hỗn hợp nặn thành các miếng tròn hơi dẹp.
Bước 5: Đun nóng 50ml dầu ăn rồi cho các miếng đậu vào chiên. Khi chín 1 mặt mới trở chiên tiếp mặt còn lại đến khi chín vàng đều 2 mặt thì vớt ra để ráo dầu. Có thể ăn kèm với tương ớt cũng rất ngon.
7. Chân gà chiên mắm tỏi
Bước 1: Chân gà làm sạch, chặt bỏ móng, chặt làm đôi, rửa sạch với nước có pha 1 muỗng cà phê muối. Sau đó, chần sơ qua chân gà với nước sôi khoảng 5 phút.
Bước 2: Pha nước mắm: Cho 1 muỗng cà phê tỏi băm, 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường trắng, ớt cắt nhỏ, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1/4 chén nước lọc, khuấy đều.
Bước 3: Đổ hỗn hợp nước mắm, tỏi đã pha vào tô chân gà, thêm 1/2 muỗng cà phê ớt bột, trộn đều, để khoảng 15 phút.
Bước 4: Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho chân gà đã ướp vào, chiên vàng giòn. Vớt chân gà ra đĩa có lót 1 lớp khăn giấy để thấm dầu.
Bước 5: Bày chân gà ra đĩa, trang trí thêm cà chua tỉa hoa, xà lách nếu thích.
8. Dê tái chanh
Bước 1: Gừng cạo vỏ, đập dập. Sả tước bỏ phần già, rửa sạch, đập dập.
Bước 2: Cho sả và gừng vào nồi nước, đun sôi. Thịt dê rửa sạch, để nguyên tảng, khi nồi sả, gừng sôi mới cho thịt vào luộc, sao cho nước chỉ xâm xấp mặt thịt. Để nồi sôi khoảng 10 phút thì tắt bếp. Nếu nhà có người già và trẻ nhỏ bạn có thể để thịt chín kỹ hơn.
Bước 3: Vớt thịt ra, để nguội thái mỏng.
Bước 4: Mùi tàu, rau ngổ rửa sạch, thái nhỏ. Vừng rang giã dập. Chanh vắt lấy nước cốt.
Bước 5: Cho thịt dê vào bát tô, đổ nước cốt chanh vào, dùng tay bóp đều. Tiếp đó thêm 1 muỗng canh đường, 1 thìa nhỏ bột canh, rau ngổ, mùi tàu, gừng thái sợi vào, trộn đều, nêm nếm lại theo khẩu vị. Cuối cùng rắc vừng rang.
Bước 6: Ăn kèm chuối xanh thái mỏng, cuốn trong bánh tráng, chấm tương bần pha thêm chút đường và gừng là ngon nhất.
9. Bò lúc lắc
Bước 1: Làm sạch thịt bò, để ráo rồi cắt thành nhiều miếng vuông nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Cho tỏi băm, 45ml dầu hào, 30ml nước tương, 30ml nước mắm, 5g đường, 5g tiêu vào chén, khuấy đều. Rồi cho thịt bò vào ướp từ 4 tiếng đồng hồ trở lên.
Bước 3: Xà lách xoong rửa sạch. Cà chua bi rửa sạch, cắt đôi.
Bước 4: Cắt sợi củ hành tây tím rồi ngâm trong nước đá một lúc cho bớt hăng. Vớt củ hành ra, để ráo rồi cho vào chén cùng với 60ml rượu, 5g đường, 5g tiêu và 1/2 muỗng cà phê muối. Khuấy đều cho đường và muối tan hết.
Bước 5: Làm nóng chảo với 45ml dầu hạt cải, cho thịt bò vào xào nhanh đến khi thịt chuyển màu và chín thì vớt ra đĩa.
Bước 6: Cuối cùng, trước khi dùng cho thịt bò ra đĩa, trang trí với ít xà lách xoong, cà chua bi và đậu phộng rang xung quanh, sau đó gắp ít củ hành lên
10. Cánh gà chiên nước mắm
Bước 1: Rửa sạch cánh gà bằng nước muối pha gừng, dùng dao cứa nhẹ mặt trong của cánh 2-3 đường sau đó ướp cánh gà với tỏi băm, hành tím băm, nước tương cho ngấm gia vị.
Bước 2: Rau xà lách rửa sạch, để ráo nước. Cà chua cắt thành khoanh tròn.
Bước 3: Pha nước mắm: Hòa tan 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê ớt bột và 1/3 chén nước sôi vào nhau.
Bước 4: Đun nóng dầu ăn trong chảo, cho cánh gà đã ướp vào chiên và lật đều đến khi cánh gà chín.
Bước 5: Rót bớt dầu chiên trong chảo ra tiếp theo đổ nước mắm đã pha ở trên vào cánh gà chiên thêm 5 phút. Gắp ra đĩa trang trí thêm rau xà lách, cà chua cho món ăn thêm hấp dẫn.
Thủy Chi (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)