Vải đang vào mùa nên rất dễ mua và có giá thành không quá đắt. Nếu đã chán hoặc không muốn ăn vải tươi, bạn có thể biến tấu thành ba món dễ làm dưới đây:
1. Trà vải
- Cho quả vải vào trong nước sôi 2 phút giúp giữ vải được lâu hơn, vải cũng dịu bớt độ chua. Sau đó, vớt vải ra cho ngay vào thau nước đá lạnh.
- Quả vải khi lột vỏ bỏ hạt, tiếp tục ngâm trong đá lạnh. Sau đó vớt ra để ráo nước.
- Nước đường nấu để nguội, sau đó cho phần thịt vào và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý: Để giữ vải ngâm không bị lên men chua thì nước đường phải được nấu không quá nhạt, nấu sôi nước đường trong ít nhất 10 phút để đường keo lại.
Hũ ngâm vải phải được trụng nước sôi cho tiệt trùng và phơi nắng cho hũ được khô ráo.
Khi mang vải ra ăn, phải dùng thìa sạch, khô ráo để múc vải.
Ngâm sau 2-3 ngày là đã có thể dùng trà vải. Đậy kín nắp bảo quản ngăn mát được từ 1-1,5 tháng.
2. Kem vải thiều cốt dừa
Nguyên liệu:
- Vải thiều
- Nước cốt dừa (có thể tự làm hoặc mua sẵn)
- 1 quả chanh
- Sữa đặc (cho tùy sở thích)
Cách làm:
- Vải bóc vỏ tách hột.
- Cho vải vào máy xay thêm nước cốt chanh (1 quả), nước cốt dừa (150ml), sữa đặc (4 thìa) sau đó xay nhuyễn hỗn hợp.
- Đổ hỗn hợp vào khuôn.
- Thêm topping ưa thích (vải quả, dừa khô, dừa sợi...)
- Để kem vào ngăn đá tủ lạnh, sau 3 tiếng đổ kem vào máy xay thêm lần nữa rồi đổ lại khuôn.
- Để kem lại vào ngăn đá từ 6-8 tiếng là có thể thưởng thức được.
Trước khi ăn để xuống ngăn mát 20 phút cho kem tách khuôn hoặc để ra ngoài 5-10 phút là có thể ăn lấy kem ra dễ dàng.
3. Vải sấy
Nguyên liệu:
- Quả vải, loại bỏ những quả vải đã bị côn trùng cắn.
- Dụng cụ: kéo, chậu rửa, rổ đựng, lò sấy điện, lò vi sóng (nếu có).
Cách làm:
Dùng dao cắt vải ra khỏi chùm, cắt cách cuống khoảng 0.5cm.
Rửa sạch vải, ngâm quả trong nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra, rửa sạch lại với nước rồi để ráo.
Để lưu giữ được hương vị của quả vải tươi ban đầu, trước khi bắt đầu làm vải sấy, tốt nhất nên luộc qua quả vải trong nước sôi khoảng 5 phút, để ráo nước rồi mới bước vào công đoạn sấy:
Có hai cách làm vải sấy:
Một là phơi nắng: Trái vải tươi sau khi sơ chế sẽ được dàn đều lên các bề mặt phẳng như mẹt, mâm,… và đem ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Sau khoảng 10 ngày phơi khô liên tục, vỏ quả khô, cùi vải bắt đầu co lại, chuyển sang màu nâu sẫm. Kiểm tra trái vải khô, nếu thấy các đặc điểm như trên thì để khoảng 1 tiếng cho trái vải nguội rồi bảo quản trong túi nilong kín.
Hai là làm khô vải trong lò sấy: Sau khi sơ chế, trái vải sẽ được dàn đều trên khay sấy, cài đặt nhiệt độ và thời gian sấy phù hợp. Sau một khoảng thời gian sấy nhất định (thường là 1 ngày), kiểm tra nếu thấy độ ẩm trong trái vải nhỏ hơn 30% thì lấy khay vải ra ngoài, để nguội và bảo quản trong túi, hộp đựng kín.
Việc sử dụng máy sấy, lò vi sóng để sấy vải sẽ giúp rút ngắn thời gian sấy, nâng cao hiệu quả và công suất sấy, giữ gìn được trọn vẹn hương vị và màu sắc của trái vải.
Vải sấy khô thường được sử dụng để ăn vặt, nấu chè, ngâm rượu thuốc.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Thiên Thanh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)