Huế, mảnh đất cố đô mộng mơ không chỉ nổi tiếng với những công trình kiến trúc cổ kính mà còn níu chân du khách bởi nền ẩm thực độc đáo và đa dạng. Giữa vô vàn món ngon, nuốc nổi lên như một điểm nhấn đặc biệt, một thứ quà của biển cả được người dân nơi đây trân trọng và biến tấu thành món ăn giải nhiệt không thể thiếu mỗi độ hè về.
Được ví như "sashimi xứ Huế", món nuốc - đặc sản mùa hè trứ danh của Huế càng được thưởng thức tại những quán vỉa hè bình dị lại càng thêm phần hấp dẫn
Nuốc, hay còn gọi là con nuốt, là một loài nhuyễn thể thuộc họ sứa nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng quả chanh ta. Chúng sở hữu thân hình tròn trịa, trong suốt như thạch hoặc mang sắc xanh lam nhạt tinh tế. Loài sinh vật này thường sinh sống ở các vùng đầm phá nước lợ của Huế, tập trung nhiều nhất ở đầm Cầu Hai và phá Tam Giang. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, màu sắc của nuốc có thể thay đổi tùy thuộc vào con nước. Vào những ngày hè nắng nóng, nuốc thường nổi lên thành từng mảng lớn trên mặt nước, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú và cũng là thời điểm người dân bắt đầu mùa thu hoạch.
Điểm đặc biệt của nuốc là sự lành tính, không hề mang vị tanh hay gây ngứa khó chịu, giúp cho việc chế biến trở nên vô cùng đơn giản. Sau khi được vớt lên, nuốc chỉ cần rửa sạch nhẹ nhàng với nước là đã sẵn sàng để thưởng thức. Món ăn được ưa chuộng nhất và cũng là cách cảm nhận trọn vẹn hương vị tươi ngon của nuốc chính là ăn sống cùng với mắm ruốc Huế trứ danh. Sự kết hợp tưởng chừng đơn giản này lại tạo nên một bản hòa tấu hương vị độc đáo: vị mặn mà, đậm đà của mắm ruốc quyện cùng vị ngọt thanh, giòn sần sật của thịt nuốc, thêm chút cay nồng của ớt và tươi mát của các loại rau thơm, trái vả, dưa leo, chuối chát, khế chua… tất cả hòa quyện, đánh thức mọi giác quan, mang đến cảm giác sảng khoái tức thì trong những ngày hè oi bức.
Nếu không quen với việc thưởng thức đồ sống, nuốc cũng có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác như bún giấm nuốc, gỏi nuốc… Tuy nhiên, theo những người sành ăn tại Huế, món nuốc tươi chấm mắm ruốc vẫn giữ vị thế "đỉnh cao" bởi nó giữ trọn vẹn được sự tươi ngon và khả năng giải nhiệt tuyệt vời của loài nhuyễn thể này. Thậm chí, nhiều người còn ví von đây là "sashimi phiên bản Huế", một sự so sánh thú vị cho thấy sự thanh mát và tươi ngon đặc trưng của món ăn.
Để thưởng thức trọn vẹn hương vị "sashimi xứ Huế", người ta thường ưu tiên những con nuốc vừa mới được đánh bắt, bởi chỉ cần để qua đêm, nuốc sẽ mất nước và giảm đi độ giòn ngon vốn có. Mùa nuốc ở Huế thường khá ngắn và việc bảo quản cũng không hề dễ dàng, chính vì vậy mà món ăn này vẫn còn khá xa lạ với nhiều người ở các tỉnh thành khác. Thậm chí, lần đầu nhìn thấy hình ảnh những con nuốc trong veo, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về hình dáng và màu sắc đặc biệt của chúng. Để tăng thêm phần hấp dẫn, một số người bán còn cẩn thận ngâm nuốc với nước hoa đậu biếc, tạo nên màu xanh đậm bắt mắt.
Người bán thường phân loại nuốc thành hai phần: tai và chân. Phần tai mềm mại thích hợp để trộn gỏi hoặc ăn kèm rau sống chấm mắm ruốc, trong khi phần chân lại có độ giòn sần sật đặc trưng, thường được dùng để chế biến món bún giấm nuốc. Nuốc chân sau khi mua về sẽ được ngâm trong nước lạnh có thêm lá ổi để tăng độ giòn. Đến khi gần dùng, nuốc sẽ được vớt ra để ráo, càng ráo thì độ giòn càng tăng.
Tại Huế, không khó để tìm thấy những quán bán món đặc sản này, đặc biệt là những quán vỉa hè đã có tuổi đời lâu năm. Chính hương vị gia truyền đặc trưng của xứ Huế đã tạo nên sức hút khó cưỡng cho những quán ăn bình dị này. Dù không gian thường chỉ bày biện vài bộ bàn ghế nhựa, đủ chỗ cho khoảng 20-25 khách, nhưng lúc nào cũng tấp nập người đến thưởng thức.
Thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức nuốc Huế là vào mùa xuân - hè, khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Dù nuốc có quanh năm, nhưng nuốc vào mùa khác thường không đạt được độ ngon chuẩn, vì vậy các quán cũng ít khi phục vụ.
Giá cả của nuốc tại Huế khá bình dân, chỉ từ 30.000 đồng/suất. Tuy nhiên, do nhu cầu thưởng thức của thực khách ngày càng tăng, nuốc đã được vận chuyển đến nhiều tỉnh thành xa xôi như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… kéo theo đó là giá cả cũng tăng lên đáng kể, dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại và thời điểm. Dẫu vậy, nhiều thực khách vẫn sẵn lòng chi trả để có cơ hội trải nghiệm hương vị độc đáo, mới lạ của món đặc sản "sashimi xứ Huế" này.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)