Cà muối là món ăn thanh đạm, dân dã, thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm gia đình Việt. Làm cà muối khá đơn giản nhưng để cà để được lâu và giòn ngon thì cũng cần có bí quyết.
Nếu là tín đồ của món cà muối, chắc nhiều người sẽ biết đến món cà muối của người làng Khương Hạ. Món cà này ngoài ăn trực tiếp còn có thể chế biến thành cà dầm, thái nộm (trộn với tỏi, dấm, ớt, đường), hoặc món cà xào chay, xào thịt… Điều đặc biệt của món cà này là giòn ngon và có thể để được đến 10 tháng.
Dưới đây là những bước làm món cà muối gia truyền này:
Cà dùng để muối là loại cà bát, quả to, có màu trắng hoặc sọc xanh.
Lưu ý là: Chọn những quả cà chín tới, không bị sâu hay nứt.
Cà hái về phơi cho héo ít nhất là hai nắng rồi mới mang ra vặt cuống.
Sau đó rửa sạch và để ráo nước, khi muối cà được xếp vào chum hoặc vại.
Cho vào từng quả, mỗi quả một nhúm muối vào chỗ cuống cà rồi xếp cà vào vại và sau đó cứ một lượt cà là một lượt muối.
Nguyên liệu làm món cà muối gia truyền Khương Hạ chỉ có cà, muối hạt và nước.
Sau 2 ngày, đổ nước xâm xấp cho ngập quả cà rồi nén bằng đá hộc.
Trong quá trình muối cà, vại cà không được đặt trực tiếp xuống nền đất, mà phải kê trên gạch, hoặc kệ, tránh nước mưa... nếu không cà sẽ bị ủng, không chín.
Món cà này khoảng 2 - 3 tuần là dùng được. Thành phẩm có màu ngà ngà vàng, vị mặn và hơi chua.
Vì cà được muối khá mặn nên trước khi ăn nên ngâm với nước sôi để nguội cho nhạt bớt rồi dầm gia vị như: mắm, tỏi, ớt và đường... và thưởng thức.
Ánh Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)