Nước dùng ngon là phần không thể thiếu trong các món ăn Việt nhưng không phải ai cũng biết cách hầm xương heo nhanh mềm và nước dùng thơm ngon.
Trước hết, để món ăn được ngon cần chọn những phần xương sườn có màu hồng sáng tự nhiên, bề mặt khô ráo. Dùng tay ấn thử vào phần thịt trên miếng sườn thấy khô ráo, không bị nhớt và có độ đàn hồi. Không mua những phần sườn có màu xám nhạt hoặc sẫm màu, có mùi lạ, sờ vào thấy ướt dính. Đây là những phần sườn của con lợn không khỏe hoặc sườn để để lâu.
Sườn mua về rửa với nước muối pha loãng và chanh tươi. Muối giúp loại bỏ bụi bẩn và diệt một phần vi khuẩn. Chanh tươi vừa giúp làm sạch miếng sườn, vừa khử mùi hôi.
Bạn có thể chọn ninh xương sườn bằng nước nóng hoặc nước lạnh. Mỗi cách nấu sẽ cho ra một kết quả khác nhau.
Thịt ở sườn lợn chứa nhiều hemoglobin – chất tạo màu đỏ trong máu. Nếu cho sườn vào nồi nước sôi thì khi chín, sườn sẽ có màu hồng. Nguyên nhân là do khi gặp nước nóng đột ngột, bề mặt bên ngoài miếng thịt sẽ se lại nhanh chóng và chất hemoglobin từ bên ngoài sẽ di chuyển vào bên trong trung tâm của miếng sườn. Với những miếng sườn có phần thịt dày, sau quá trình hầm nhỏ lửa trong thời gian dài, sườn chín mềm vẫn giữ được màu hồng. Cách này được nhiều nhà hàng áp dùng để luộc thịt gà hoặc làm gà ủ muối, giúp thịt chín có màu hồng đẹp và mềm mọng. Khi làm giò lụa, nhiều người cũng áp dụng cách này để giò có màu hồng nhạt.
Ngược lại, nếu cho sườn vào nồi từ khi nước còn lạnh, quá trình làm nóng từ từ sẽ làm các thớt thịt giãn ra. Khi đó, chất hemoglobin cũng sẽ trôi ra ngoài và hòa vào nước. Khi đó, phần chín được nấu chín sẽ có màu tái hoặc trắng nhạt.
Lưu ý, nếu lượng nước không đủ để ngập miếng sườn thì phần thịt nổi lên trên sẽ bị xỉn màu, thâm đen kém đẹp mắt.
Khi ninh xương, bạn nên để lửa nhỏ. Nếu sử dụng lửa lớn, nhiệt độ cao thì nước sẽ bốc hơi nhanh, các dưỡng chất cũng sẽ bốc hơi theo. Ngoài ra, nước cạn đi nhanh cũng làm sườn tiếp xúc với không khí nhiều hơn và dễ bị trắng bợt, khô xác hoặc bị thâm đen, xỉn màu. Khi ninh xương với lửa lớn, chất ngọt cũng không tiết ra hết, món ăn sẽ kém đậm đà hơn.
Do đó, bạn nên ninh xương với lửa nhỏ, đậy kín vung nồi cho xương chín từ từ.
Ngày nay, chúng ta có thể sử dụng các loại nồi hầm, nồi nấu chậm để ninh xương. Các loại nồi này có cài đặt sẵn các chế độ, bạn chỉ cần cho nguyên liệu vào nồi và chọn chế độ phù hợp. Nếu không có các loại nòi này, bạn có thể cho sườn vào nấu sôi trong khoảng 15-20 phút. Sau đó, dùng giấy bạc bạc kín nồi và tắt bếp. Để nguyên như vậy ủ nửa ngày cho sườn chín mềm. Cách này giúp tiết gas, tiết kiệm điện, giữa nhiệt cho nồi sườn hầm, vừa tránh được oxy lọt vào bên trong, giữ cho sườn có màu hồng đẹp mắt.
Tùy theo sở thích mà bạn có thể nêm nếm gia vị cho phù hợp. Nếu muốn sườn đậm đà thì có thể nêm chút muối ngay từ đầu. Nếu muốn phần nước dùng ngon ngọt tự nhiên thì không nên cho muối ngay từ đầu. Hãy ninh cho sườn chín mềm, các chất ngọt trong xương được hòa tan vào nước rồi mới nêm thêm muối.
Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)