Rau luộc là món ăn lành mạnh, được các chuyên gia khuyên nên ăn thường xuyên để tăng cường sức khỏe. Món này rất dễ chế biến, hầu như ai cũng làm được. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc luộc rau loại nào nên đóng nắm vung và loại nào nhất định nên mở chưa? Dưới đây là lời khuyên từ chuyên gia.
TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, đa số mọi người đều mắc sai lầm khi sơ chế, chế biến các loại rau củ, khiến cho dinh dương bị hao hụt đi rất nhiều. Một bát canh hay đĩa rau luộc thành phẩm có khi chỉ còn chưa đến 10% giá trị dinh dưỡng, chủ yếu là chất xơ.
Theo bác sĩ thói quen hay gặp nhất là mua rau củ về tích trữ ăn dần, tiếp đó là gọt vỏ, thái rau trước khi rửa. Trong khâu nấu nướng, thì nhiều người lại đun sôi lửa lớn, rồi mở vung với mong muốn rau xanh và ngon hơn.
Chuyên gia khuyên: "Việc mở vung khi nấu rau, củ là sai lầm, bởi đa số các loại vitamin đều bị hòa tan trong nước, nhất là dưới nhiệt độ cao. Khi đó, chúng ta mở vung thì lượng vitamin ít ỏi còn lại sẽ bay hơi ra ngoài và rau mất sạch dinh dưỡng".
Một số lưu ý khác:
- Nên ăn ngay sau khi thu hoạch (hoặc mua về).
- Sơ chế, rửa khi chưa thái cắt.
- Đậy vung khi luộc hoặc nấu canh.
Nhưng chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, một số ít loại thực phẩm đặc thù khác thì lại cần phải mở vung trong suốt cả quá trình nấu, trong đó có măng.
Vị tiến sĩ dinh dưỡng này cho biết, các món ăn từ măng được nhiều người ưa thích, nhưng khi chế biến dù là loại măng nào thì cũng cần mở nắp, nhất là khâu luộc măng.
Nguyên nhân là do trong măng có độc tố gây hại tới sức khỏe, độc tố này được hòa tan trong nước và bốc hơi trong quá trình đun nấu, vì thế, việc mở vung giúp thải các độc tố ra ngoài: "Việc nấu măng mở vung ngoài loại chất độc sẵn có trong măng, còn phần nào làm hòa tan hóa chất nếu có, vì măng chua thường có nhiều hóa chất bảo quản".
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)