Dân gian còn gọi quất hồng bì là quả hoàng bì, quất bì hay tơ nua. Trong khoa học loại quả này có tên là Clausena lansium (Lour.) Skeels thuộc họ cam chanh.
Quất hồng bì phần lớn phân bổ ở khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, cụ thể là mọc hoang dại ở Trung Hoa hay một số quốc gia vùng Đông Nam Á như Là, Campuchia, Malaysia,... Ở Việt Nam, quất hồng bì xuất hiện nhiều ở các tỉnh thành phía Bắc đặc biệt là Quảng Ninh, Hòa Bình và Ninh Bình.
Quả quất hồng bì với vị chua ngọt dễ chịu, tính ấm có công dụng tiêu đờm, giảm ho, cầm nôn, kích thích tiêu hóa. Vào mùa quất hồng bì bạn có thể làm thành nước giải khát và mứt quất hồng bì.
Nguyên liệu:
- Quả hồng bì
- Đường, muối
Cách làm:
Bước 1: Hồng bì cắt sát cuống, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 1 giờ đồng hồ.
Bước 2: Vớt hồng bì để thật ráo nước, khía nhẹ để bỏ hạt, sau đó cho lần lượt một lớp hồng bì rồi đến lớp đường.
Bước 3: Để lọ hồng bì nơi thoáng mát, khoảng vài ngày đường sẽ tan bớt. Sau đó cho vào nồi rồi đặt lên bếp đun nhỏ lửa. Nước sôi, dùng đũa khuấy đều để đường tan hết, đồng thời khi thấy quả hồng bì quắt lại thì tắt bếp. Để nước hồng bì thật nguội, sau đó đổ nước và quả vào lọ thủy tinh để dùng dần.
Với cách làm này thì bạn có thể sử dụng ngay nước quất hồng bì để trị viêm họng và để giải nhiệt vào mùa hè.
Ngoài ra, nếu chỉ thích uống nước mà không ăn quả hồng bì đã ngâm, có thể dùng quả đã ngâm đó làm mứt. Cho quả hồng vào sên cùng chút gừng thái sợi và mật ong. Thành quả là có món mứt hồng bì vừa thơm ngon vừa có tác dụng chữa viêm họng.
Theo facebook: Phương Ruby Cherry
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)