Khi nấu canh bầu, nhiều người có câu hỏi nên băm, nạo hay thái? Nhưng tùy theo vùng miền, thói quen và cách ăn có từng cách sơ chế bầu khác nhau. Cụ thể như sau:
Một số vùng quê đồng bằng Bắc Bộ
Khi nấu canh bầu thường nạo sợi nhỏ để những nhà có người già cả răng yếu vẫn ăn được. Các bà các mẹ thường truyền miệng câu ''Băm bí, băm bầu'' mới ngọt canh ngọt nước và hợp với gạch tôm kết tảng béo bùi.
Cách làm:
Tép riu hoặc tôm đồng đã được rửa sạch nên được giã nhuyễn với chút muối hạt rồi lọc lấy nước và đun nổi gạch.
Chọn quả bầu non nặng tay, gọt vỏ (hoặc có nhà để cả vỏ non) rồi thái bằng dao băm nhiều nhát theo chiều dọc. Nếu bạn muốn nạo, bạn nên dùng nạo sợi bào mỏng.
Cho bầu vào nồi canh cho sôi vài phút.
Sau đó, nêm gia vị vừa miệng, có thể là mì chính, muối hoặc mắm. Cách nấu này duy trì hương vị mộc mạc.
Ở một số nơi, hành khô được trút vào nồi riêu tôm đồng để làm sôi cho bầu vào thêm tròn vị.
Nấu canh bầu nên cắt hay băm là đúng?
Món bầu om vịt lộn kiểu Huế
Khi nấu món này, người Huế lại cắt miếng bầu chứ không nạo sợi.
Cách làm:
Cắt miếng bầu với kích thước từ 1 đến 1,5 cm để khi nấu đảm bảo vị ngọt từ vịt lộn ngấm vào bầu.
Không nên cắt nhỏ quá nhỏ vì nó sẽ làm mất độ giòn của bầu om.
Mắm ruốc và ớt bột là một phần không thể thiếu của trứng vịt lộn om bầu kiểu Huế, chúng giúp khử tanh và tăng vị ngọt hậu và hương vị độc đáo của trứng. Món này ăn một lần sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Với các món canh bầu nấu sườn hoặc xương cũng cắt miếng to sẽ hợp vị hơn, giúp cân đối hài hòa vị khi ăn.
Canh bầu nấu tôm của người miền Tây
Với cách nấu này, người miền Tây thường cắt miếng để giữ độ giòn mát.
Cách làm:
Bầu gọt vỏ thái miếng vừa ăn.
Ướp tôm với gia vị đậm đà, phi hành tỏi và thêm nước để đủ ăn.
Khi nước sôi trở lại cho bầu, thêm gia vị.
Khi bầu chín vừa độ, đổ ra bát, thêm hạt tiêu, hành lá và rau mùi và thưởng thức nóng.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)