Nếu bữa cơm thông thường có bát cơm trắng dễ ăn thì trong nhiều dịp lễ đặc biệt, người Việt lại chuộng thứ gạo dẻo dính, thơm tho, dễ dàng tùy biến mà người ta gọi là gạo nếp.
Gạo nếp thường để nấu xôi, vì đó, xôi nếp trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Việt. Xôi dùng cúng tiến tổ tiên trong những ngày giỗ, Tết cũng là món quà quen thường ngày của nhiều người.
Chẳng biết hạt nếp nấu xôi có từ khi nào, nhưng từ thuyết xưa kể lại, hạt gạo nếp đầu tiên là hạt gạo tạo nên chiếc bánh chưng, bánh dày trong câu chuyện Lang Liêu. Sự khám phá tuyệt vời về hạt gạo trắng đục, tròn trịa, mẩy căng đã sinh bao bao món ngon cho văn hóa. Người Việt dần học cách đơm xôi, dùng xôi làm lễ cúng tế, biểu trưng cho sự may mắn, dồi dào.
Chỉ tính riêng xôi đã có cả trăm biến tấu khắp ba miền đất nước.Người vùng cao phía Bắc có xôi ngũ sắc thất sắc màu sắc bắt mắt.Xôi ngũ sắc từ lâu đã được biết đến là đặc sản ẩm thực của vùng cao. Điều thú vị là năm màu sắc tạo thành một tổng thể, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Nhưng, mỗi màu sắc cũng có thể đứng độc lập, mang ý nghĩa riêng gắn với từng dân tộc. Màu xôi được nhuộm từ cây và lá rừng, luôn sạch sẽ thơm tho.
Người Hà Nội có gu thưởng thức giản dị, tinh tế nên thứ xôi trắng, xôi đậu đồ nhạt và ăn cùng các món mặn được ưa chuộng hơn cả. Sáng sớm ăn nhẹ bát xôi, kèm chút thịt kho hay miếng lạp xưởng hoặc xôi đậu xanh rắc chút ruốc, chấm chút muối vừng bùi bùi là chắc dạ, đủ đầy. Cùng là xôi mặn, nhiều người lại chỉ chuộng chứ xôi xéo, xôi ngô tươm mỡ hành vàng ruộm, lựng thơm, ăn cùng đậu xanh và hành phi.
Rồi trong kí ức, bất cứ ai cũng đã từng thân thuộc thứ xôi vò chè đường, hay xôi nén, chè con ong. . Bát bột sắn quấy để nguội xếp trong thúng, bà bán hàng nhè nhẹ lấy ra, nhè nhẹ xúc mấy thìa xôi tơi từng hạt đổ lên trên. Những hạt xôi vàng cái màu nắng nỏ chất phác hiền lành của đất.
Xôi gấc mang màu đỏ may mắn, hay chè con ong cay thơm vị gừng, ngọt ngào hương mật, là món xuất hiện thường xuyên trong mâm cỗ cúng truyền thống mỗi gia đình.
Tiết heo may, người Hà Nội nôn nao đón về mùa thu cốm. Cốm làm từ hạt nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, rang sảy cho hết vỏ trấu. Từ hạt thóc nếp, người làng Vòng đã làm ra hạt cốm mộc có mùi thơm đặc trưng của hương lúa.Từ hạt cốm, người ta chế biến thành chè cốm, xôi cốm và bánh cốm, cũng là những món ăn không kém phần thi vị. Chè cốm đựng trong các bát sức trắng nhỏ nhắn, thanh tao chẳng kém chứ chè sen mùa hè. Chè nấu loãng bằng đường trắng và bột lọc trong suốt, thấp thoáng những hạt cốm xanh, thoảng mùi nếp và tinh dầu hoa bưởi, quyến rũ đến lạ lùng. Còn chiếc bánh cốm ngọt ngào, dẻo thơm hương cốm từ lâu đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong mâm đồ lễ ăn hỏi của người Hà Nội.
Gạo nếp đồ xôi cũng không xa lạ trong văn hóa người miền Nam. Xôi sáng là món điểm tâm dung dị, xôi chiều là món ăn xế bình dân. Tới tối, người ta lại chọn xôi như một món ăn chơi chắc bụng. Xôi miền Nam đa dạng, nhiều tùy biến nhưng vẫn chia làm hai loại xôi mặn và xôi ngọt. Các món xôi ngọt phải kể đến xôi đậu đen, đậu phộng, lá cẩm, lá nếp, bắp khô, bắp nhão...Mỗi loại lại có cách thêm thắt đậu xanh, hành phi, dừa nạo, mỡ mè, đường cát để tạo hương vị riêng nhưng vẫn mang đậm vị ngọt béo đặc trưng của xôi phương Nam.Xôi mặn là tên gọi chung của các món xôi trắng ăn cùng mỡ hành, pa tê, chả lụa, trứng cút, lạp xưởng, xá xíu, chà bông....
Chuối bọc nếp nướng là món ăn giản dị nhưng rất đỗi tự hào của người miền Nam. Nét đặc sắc của món tráng miệng hấp dẫn này là chuối bọc nếp nướng thơm lừng hòa quyện với vị béo ngậy của nước cốt dừa, lạc rang. Chừng ấy thôi đã đủ mang tên tuổi.
Gạo nếp xay nhuyễn tạo thành bột nếp, là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món bánh cổ truyền như bánh nếp, bánh giầy, bánh rán, bánh trôi, bánh gai...Dù vị bánh mỗi loại khác nhau nhưng đều không làm mất đi sự dẻo dính, mềm mại đặc trưng của hương nếp.
Cứ như thế, hạt gạo trắng đục gắn liền với văn hóa ẩm thực Việt, trở thành nét đẹp đáng tự hào của mỗi người Việt.
Depplus.vn/MASK