Người người nhà nhà đang rất háo hức chờ đón Tết Nguyên Đán 2022. Dịp Tết trên mâm cơm cúng gia đình không thể thiếu xôi. Thông thường, các bà nội trợ thường làm xôi gấc vì quan niệm màu đỏ sẽ mang lại may mắn. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết để bạn có món xôi gấc ngon:
Nguyên liệu và cách sơ chế:
- Gạo nếp ngon ngâm chừng 5-6 giờ (để không phải chờ đợi nên ngâm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau).
- Gấc mua để sẵn ngăn đá cả năm dùng dần.
- Đường.
- Dầu ăn.
Cách làm:
Bắc nồi nước đun sôi trong lúc trộn gấc, trộn gạo và gấc xong thì nước sôi là vừa.
Gạo xối nước lã để rổ ráo nước, sau đó đổ vào chậu để trộn gấc cho dễ, cho 1 thìa bột canh rồi trộn đều với gạo (gấc thường có vị nhạt, nên cho bột canh để cân bằng độ đậm với vị đường đến giai đoạn cuối trộn).
Khi cho hạt gấc vào gạo dùng tay xoa đều bề mặt rồi trộn lên xoa tiếp (không dùng tay bóp gạo với hạt gấc vì hạt gạo sau khi ngâm sẽ dễ vỡ, phải xoa gấc đều bề mặt trộn lên sẽ nguyên hạt gạo) chú ý trộn gạo đến khi màu đỏ của gấc được đều, tông màu không quá đậm vì khi nấu màu đỏ của gấc mới lên màu.
Cho gạo vào chõ xôi (thường dùng như loại nồi hấp) và nhớ dùng đũa hoặc dùng tay chọc 3 lỗ thoáng hơi để hơi nóng lan đều tránh hơi nước áp phần đế gây nhão mà phần trên xôi lại bị khô.
Từ thời điểm cho gạo vào nồi đồ xôi đến lúc chín là 45-50 phút, nhưng tùy vào loại gạo nấu có loại mềm nhanh có loại vẫn cứng lõi, nên dùng tay bóp thử hạt gạo thấy có độ dẻo không cứng có nghĩa là xôi đã chín.
Trộn đường và dầu ăn: Bắc nồi đồ xôi xuống (nhớ để nguyên phần nồi hấp trên phần nồi nấu có nước nóng vì hơi nước sẽ giúp phần trộn đường và dầu ăn được chín và đều vị), dùng thìa gỗ trộn đều tay và nhẹ, cho đường trắng vào trộn xôi trước vì đường sẽ ngấm được vào hạt xôi, dầu ăn chỉ tạo độ bóng cho xôi, nếu trộn dầu ăn trước thì đường không ngấm được (có thể thay dầu ăn bằng mỡ gà sẽ thơm ngon hơn), sau khi trộn xong thì đậy vung lại khoảng 5-10 phút rồi xới ra đĩa. Vậy là đã hoàn thành món xôi gấc ngon, đẹp rồi. Bạn có thể dùng khuôn để đóng xôi gấc cho bắt mắt hơn.
Nguồn ảnh: Trần Thị Minh
Thủy Chi (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)