Cách chọn mua thịt lợn ngon
Để lựa được thịt lợn ngon, bạn cần chú ý 3 điểm sau đây:
Lớp mỡ và nạc: Thịt lợn ngon sẽ có lớp mỡ và phần thịt nạc dính chặt vào nhau, không lỏng lẻo hay bị tách rời. Trong đó, lớp mỡ dày khoảng 1 đốt ngón tay (từ 1.5 - 2 cm). Nếu phần thịt nạc quá nhiều trong khi lớp mỡ và da lại ít, thì có khả năng là thịt đó đã bị dùng thuốc tăng trọng. Phần thịt nạc khô ráo, các cơ hơi se lại, thớ thịt đều và săn chắc, lớp da mềm là dấu hiệu cho thấy thịt ngon.
Để món thịt lợn luộc thơm ngon, việc chọn nguyên liệu tươi sạch là rất quan trọng.
Màu sắc và mùi của thịt: Khi đi mua bạn cần quan sát màu sắc của thịt, đây là một cách khá hữu hiệu mà không tốn quá nhiều thời gian. Thịt lợn đạt chất lượng là phần thịt nạc có màu từ hồng nhạt đến đỏ thẫm, còn lớp mỡ màu trắng trong hoặc hơi ngà. Nếu có thể, bạn nên ngửi qua mùi của thịt. Thịt ngon là thịt có mùi thơm đặc trưng, không có mùi ôi thiu và không bị gắt dầu.
Độ đàn hồi: Thịt lợn tươi ngon là thịt vừa được giết mổ sẽ có độ đàn hồi rất tốt. Bạn có thể dùng đầu ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu thịt lõm xuống rồi trở lại trạng thái ban đầu khi bạn nhấc tay ra thì đó là thịt ngon.
Cách khử mùi hôi của thịt
Thông thường, những con lợn khỏe mạnh, được chăn nuôi "sạch" thịt sẽ rất thơm và ngon. Tuy nhiên, thị trường hiện nay bán tràn lan những con lợn được nuôi bằng cám tăng trọng vì vậy thịt lợn thường có mùi hôi.
Nếu mua phải loại thịt có mùi, trước hết bạn cần phải làm sạch và lưu ý một số cách để khử mùi hôi dưới đây:
- Trước khi luộc, cần loại bỏ chất bẩn, hóa chất có thể tồn dư trong thịt và mùi hôi bằng cách rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Ngoài ra, bạn có thể dùng một ít muối hòa tan trong nước để rửa thịt, bởi nước muối loãng cũng có tác dụng loại bỏ các chất bẩn từ thịt.
- Bí quyết để món thịt lợn luộc ngon mà không bị hôi là nên luộc 2 lần. Lần 1 luộc sơ và lần 2 luộc chín.
Khi luộc thịt, chú ý 3 loại gia vị không nên cho vào kẻo “mất ngon”
+ Hạt tiêu
Hạt tiêu vốn có tác dụng tăng hương vị cho các món ăn. Tuy nhiên, khi luộc thịt, bạn tuyệt đối tránh cho chúng vào cùng. Nguyên nhân là do vị của hạt tiêu quá mạnh sẽ lấn át đi hương vị nguyên bản của món thịt lợn luộc.
Không những thế, hạt tiêu còn khiến cho thịt lợn bị khô và cứng, giảm đi độ mềm ngon. Do đó, các đầu bếp lâu năm đều đưa ra lời khuyên không nên cho hạt tiêu vào trong khi luộc thịt lợn.
+ Đường
Món thịt lợn hay được ướp vào thêm một xíu đường để tăng vị giác. Nhưng đường cho vào thịt lợn luộc lại có tác dụng ngược, sẽ làm giảm độ ngon ngọt thơm vốn có của thịt lợn. Món thịt lợn luộc thì bạn không cần cho đường bởi tự miếng thịt luộc đã có đủ thơm ngon. Ngoài ra, nếu cho đường vào món thịt lợn nướng hoặc chiên rán còn dễ bị cháy, ăn khô và sẽ kém ngon rất nhiều.
+ Ngũ vị hương
Thịt lợn luộc mà nếu được cho ngũ vị hương sẽ khiến nó có mùi hắc, hương vị không được thơm ngon mà còn khó ăn. Bột ngũ vị hương chỉ nên dùng cùng với thịt bò là phù hợp nhất.
Ngoài ra bạn cũng không nên cho rượu vào trong khi luộc thịt vì khi thêm rượu vào thịt lúc đang luộc sẽ có thể ảnh hưởng đến mùi vị của món ăn. Bạn chỉ nên dùng rượu trong quá trình rửa thịt, hoặc chần nhanh qua để có thể khử mùi tanh của thịt chứ không nên thêm chúng vào nồi nước luộc.
Luộc thịt đúng cách
- Lần 1, cho 1 thìa cà phê giấm, vài lát gừng thái mỏng và 1/2 thìa cà phê muối vào nước luộc thịt đun sôi rồi thả thịt lợn vào chần trong khoảng 2 phút thì vớt thịt ra, rửa lại miếng thịt một lần nữa. Như vậy miếng thịt sẽ không bị hôi. Việc cho giấm và muối cũng giúp cho miếng thịt giữ được độ trắng, sạch.
- Lần luộc thứ 2 bạn cho thịt vào nồi ngay từ đầu, đổ ngập nước, đập dập mấy củ hành lá bỏ vào nồi, nêm thêm chút gia vị cho thịt đậm đà rồi luộc đến khi sôi. Để thịt sôi trong nồi trong 5 đến 10 phút thì dùng đũa xiên qua miếng thịt để kiểm tra xem thịt đã chín kỹ hay chưa.
Thời gian luộc thịt không thể đoán định chính xác vì còn phụ thuộc vào miếng thịt luộc to hay nhỏ, dày hay mỏng. Nếu miếng thịt dày và to, thời gian luộc có thể rất lâu mà chưa chắc đã chín ở trong, trường hợp này nên dùng dao xẻ hoặc khía miếng thịt ra cho dễ chín hơn mà không bị dai.
Khi luộc thịt, nếu có bọt nên vớt thường xuyên để giữ thịt sạch, khi nào thấy miếng mỡ hơi trong, xiên đũa qua miếng thịt không thấy nước đỏ trào ra tức là thịt đã chín. Khi đó bạn có thể tắt bếp và vớt thịt ra khỏi nồi cho ráo nước.
Một số mẹo giúp luộc thịt heo trắng, không bị khô
Luộc thịt trắng
Cách 1: Trước khi luộc bạn cần chần thịt 3 phút qua hỗn hợp nước + giấm + muối rồi rửa lại bằng nước sạch. Sau đó mới đun nồi nước khác và tiến hành luộc thịt đến khi chín mềm.
Cách 2: Khi thịt luộc đã chín, bạn cho vào nồi 2 thìa cà phê giấm ăn hoặc rượu trắng rồi tắt bếp, để thịt trong nồi từ 1 - 2 phút rồi vớt thịt ra, cho ngay vào tô nước đá khoảng 15 - 20 phút để thịt săn chắc và không bị thâm đen.
Luộc thịt không bị khô
Nguyên nhân khiến cho miếng thịt sau luộc bị khô là vì thịt đã bị luộc quá kĩ, từ đó phần nước bên trong thịt tiết hết ra nước dùng. Để tránh gặp tình trạng này, bạn cần canh thời gian khi luộc thì thịt mới mềm và ngon được.
Với 1 miếng thịt cỡ vừa, khi cho thịt vào luộc được 15 phút bạn dùng đũa xiên vào thịt, nếu xiên qua được dễ dàng thì thịt đã chín, bạn vớt thịt ra. Trong trường hợp thịt vẫn còn chảy nước hồng thì luộc thêm 5 phút nữa, rồi dùng đũa thực hiện tương tự.
Với khoảng thời gian như vậy, thịt sẽ chín tới, rất mềm và ngon, sau khi vớt ra cũng không hề bị khô. Bạn linh động canh thời gian sao cho phù hợp với khối lượng thịt và kích cỡ miếng thịt gia đình mình chế biến.
Để thịt luộc không bị đỏ, sau thời gian luộc (10-15 phút) thì nên tắt bếp, đậy vung om thêm 10 - 15 phút tùy kích thước, khối lượng thịt. Việc này giúp cho thịt bên trong (với chân giò bó lại luộc) không bị đỏ và chín thẩm thấu dần nên ngọt thịt. Thịt sau khi luộc, vớt ra cho vào âu nước sôi để nguội, thêm đá lạnh và vài lát chanh để giúp bì trắng giòn hơn.
- Đợi thịt nguội bớt thì dùng dao thái thịt thành các miếng nhỏ vừa ăn. Thịt luộc nên thái miếng mỏng, ngang thớ để không bị dai. Giờ chỉ cần bày thịt ra đĩa và pha một bát nước chấm ngon để thưởng thức món thịt vừa mềm vừa thơm ngay được rồi.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)