Cách làm giò xào cho hương vị đúng chuẩn, bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết dưới đây:
Nguyên liệu:
Tai heo, thịt mũi và mép heo, lưỡi heo.
Mộc nhĩ khô, tiêu xay dập, tỏi, muối, hành tím, dầu ăn, gừng, đường, nước mắm, bột ngọt...
Lá chuối, khuôn ép giò và màng bao thực phẩm.
Món giò xào được yêu thích với hương vị thơm ngon, giòn sần sật.
Cách làm:
Bước 1: Đem thịt tai, lưỡi, mũi heo rửa và cạo sạch lông và lớp màng bám trên lưỡi. Sau đó, bạn ngâm phần thịt này với nước muối loãng, để trong khoảng 30 phút thì vớt thịt ra để ráo.
Khi chuẩn bị xong phần thịt, bạn bắc nồi nước và bỏ gừng đã đập dập, 1 củ hành tây cùng với chút muối vào luộc cùng. Đợi luộc thịt vừa chín tới, bạn vớt ra và bỏ vào nước lạnh để thịt nguội, sau đó tiếp tục cạo sạch mảng bám bẩn và lông một lần nữa. Cách làm giò thủ để có độ giòn và ngon nhất, bạn nên thái thịt thành các lát dài, thịt thái dài và mỏng.
Trong thời gian sơ chế thịt, bạn nên ngâm trước mộc nhĩ với nước ấm để nấm nở, sau đó làm sạch và tiếp tục thái nhuyễn. Hành tím, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
Lá chuối bạn đem phơi cho lá héo để dai dễ gói và bảo quản giò tốt hơn. Khi đã phơi héo xong, bạn rọc lá chuối và dùng khăn khô lau sạch hoặc trụng lá với nước sôi rồi để ráo và lau sạch.
Bước 2: Cho chút nước mắm, hạt nêm, muối, tiêu và thịt heo đã sơ chế trước đó và trộn đều, ướp thịt khoảng 30 phút cho ngấm gia vị. Để món giò thủ không bị mặn hoặc nhạt quá bạn cần chú ý ướp lượng gia vị vừa phải. Bạn không cần lo ướp món giò không vừa miệng vì bạn vẫn có thể nêm nếm thêm ở bước xào giò.
Ở bước xào giò, bạn bắc chảo lên bếp đến khi chảo nóng thì cho hành và tỏi và phi thơm, tiếp đó cho mộc nhĩ vào xào nhanh, nêm thêm chút muối, tiêu xay. Để thịt không bị khô và mất đi độ béo đặc trưng của món giò thủ, bạn chỉ nên đảo nhanh nhanh tay và tắt bếp khi hỗn hợp thịt đã săn lại và tươm mỡ.
Bước 3: Lót lá chuối vào khuôn, sau đó lần lượt cho phần thịt vừa xào vào và ép chặt thịt xuống, thịt càng được ép chặt sẽ càng ngon và bảo quản được lâu hơn. Sau khi đã ép chặt giò, bạn để nguyên cả khuôn đến khi giò nguội mới tháo (tầm 1 ngày là có thể tháo khuôn).
Cuối cùng là bảo quản giò trong ngăn mát tủ lạnh. Để giò trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tuần là bạn có thể thưởng thức.
Cách bảo quản và một số lưu ý khi làm giò thủ
Dù cách làm giò thủ của bạn có đúng theo công thức đi nữa nhưng bảo quản sai cách thì món ăn này vẫn khó chuẩn bị và giữ được lâu. Bạn nên bọc giò với 2 - 3 lá chuối và để vào vị trí tủ lạnh không có đồ tươi sống. Nếu giò còn thừa lại sau bữa ăn, bạn nên cho vào hộp thực phẩm, túi zip hoặc túi nilon trước khi cho và ngăn mát.
Đối với giò đã cắt này thì tốt nhất bạn không nên để quá lâu và dùng dần trong 2 - 3 ngày sau đó vì để lâu dò sẽ bay mùi, không còn hương vị hấp dẫn vốn có.
Ngoài bảo quản giò thủ trong ngăn mát, nếu muốn giữ cho giò được lâu hơn bạn có thể để ở ngăn đông. Phương thức bảo quản này có thể giữ giò trong 10 - 20 ngày.
Cách làm giò thủ thì ai cũng biết, nhưng để cho ra thành phẩm món giò dai giòn hấp dẫn thì có bí kíp cả đấy. Bạn hãy nhớ đọc kỹ và thực hiện theo một số lưu ý này trước khi bắt tay thực hiện món giò thủ:
Khi mua thủ heo bạn nên chọn loại thủ có kích thước vừa phải, xương hồng tươi cùng mùi thơm. Đặc biệt, không nên mua thủ heo đông lạnh hoặc có vết thâm trên da, mùi hôi tanh.
Đối với lưỡi heo, bạn nên chọn loại lưỡi có màu sắc đỏ, hồng tươi và vị trí gần cuống họng có màu trắng đều, trọng lượng lưỡi heo mềm và ngon nhất nặng tầm 1,5kg.
Khi nén khuôn giò thủ, bạn càng cố nén chặt thì giò càng chắc, ngon và bảo quản được trong thời gian lâu hơn.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)