Ý nghĩa tập tục cúng gà ngày Tết
Con gà được xem như biểu tượng gắn liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời và có liên quan mật thiết với nghề trồng lúa nước của người Việt.
Tập tục cúng gà ngày Tết với ý nguyện, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp. Hơn nữa, tập tục cúng gà ngày Tết còn thể hiện cho 5 đức tính mẫu mực của con người đó là:
- Văn: Mào gà trống mang hình ảnh giống với cái mũ cánh chuồn của người đỗ tiến sĩ ngày xưa, biểu tượng cho sự học hành tấn tới.
- Võ: Cựa gà sắc nhọn là vũ khí tự về và chiến đấu.
- Dũng: Con gà trống luôn là người thủ lĩnh trong đàn gà. Sẵn sàng đánh nhau với kẻ khác để bảo vệ đàn gà của mình, biểu tượng cho dũng khí đặc biệt ở người đàn ông.
- Nhân: Gà Trống khi kiếm được thức ăn đều gọi bầy của mình đến ăn cùng chứ không bao giờ ăn một mình, biểu tượng có tâm tính tốt đẹp của con người.
- Tín: Gà trống luôn thức dậy vào sáng sớm, bất kể thời tiết khắc nghiệt như thế nào gà vẫn gáy đúng giờ, biểu tượng cho chữ tín.
Bí quyết luộc gà cúng ngon và đẹp mắt
Cách chọn gà ngon
Để có con gà cúng hoàn hảo, bạn nên lưu ý cẩn thận ngay từ khâu chọn gà. Bạn cần chọn gà trống, loại gà ta có trọng lượng sau mổ chừng 1,5kg. Không nên mua con gà quá to vì sẽ khó đẹp hơn khi bày mâm, thịt cũng dai hơn.
Gà cúng phải khỏe mạnh, trông nhanh nhẹn, lông mượt, mào đỏ tươi, da vàng, cặp chân nhỏ và ức nở. Con gà có đặc điểm này không chỉ chắc thịt mà còn có dáng đẹp hơn sau khi luộc và bày lên mâm.
Gà mua về không nên thịt ngay, nên cởi dây trói chân, thả vào chuồng hoặc lồng để nó có thể đi lại trong nửa ngày hoặc chí ít là vài tiếng đồng hồ để máu lưu thông, tránh tình trạng gà luộc lên bị thâm đen phần chân do tụ máu chỗ bị trói.
Cách luộc gà cúng đẹp mắt
Khi luộc gà cúng bạn không nên mổ phanh như để làm món rang hay luộc ăn như bình thường. Truyền thống xưa nay khi mổ gà cùng người ta thường mổ moi thì mới có thể tạo dáng đẹp, và tránh tình trạng co da. Cắt rời phần chân từ khuỷu để tránh tình trạng co da khi luộc gây nứt toác ở phần đùi.
Để tạo dáng gà chầu, bạn lấy dao sắc rạch hai bên cổ gà, nhét phần cánh về phía miệng thông qua hai đường này. Đây là khâu cần sự cẩn thận, khéo léo để cánh không bị cong, gãy mà vẫn hướng ra ngoài về phía miệng. Nếu thích dáng gà bay, hãy bẻ nhẹ hai cánh gà về phía lưng, buộc cố định phần khớp xương của hai cánh lại với nhau.
Tiếp đó, để tạo độ bóng đẹp màu vàng bắt mặt cho da gà bạn có thể xát bột nghệ lên toàn bộ phần bề mặt con gà, để trong 5 phút rồi mới luộc để tạo màu vàng đẹp mắt. Đặt con gà vào nồi, phần bụng hướng xuống dưới, đổ ngập nước lạnh, đun với lửa lớn. Thêm vào vài lát gừng, ít hành khô đập dập, hành lá, ít muối và bột nêm... với mục đích khử mùi và tăng vị ngọt.
Khi nước sôi, giảm lửa để tránh nứt da gà do nước sôi mạnh, đun thêm khoảng 5- 7 phút. Rối au đó bạn hãy tắt bếp, đậy vung lại trong 12- 15 phút nữa để gà tiếp tục chín tới mà không bị nứt da. Dùng tăm nhỏ xiên vào đùi gà, nếu không thấy nước đỏ chảy ra là gà vừa chín.
Vớt gà vào nồi nước lạnh cho nhanh nguội, giúp da giòn hơn. Khi gà nguội bớt, bạn phết bên ngoài da chút dầu ăn pha bột nghệ để có màu vàng bóng đẹp mắt.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)