Dịp lễ vừa rồi được nghỉ nhiều ngày, mấy chị em rủ nhau về quê, cũng như mọi lần mọi người hiến kế món ăn để làm buổi tiệc nho nhỏ cho vui. Thực đơn là bắt cá tai tượng dưới ao lên chiên xù cuốn bánh tráng chấm mắm me, gà nòi hầm sả ăn với bún…
Đang ngồi bàn thảo xôm tụ thì thằng Tèo - đứa cháu họ đem mớ tôm lóng vừa đi dỡ chà bắt được sang biếu mấy cô chú ở xa về ăn lấy thảo. Nhìn rổ tôm tươi rói nhảy lách tách, chị Hai nói: "Tôm này ngọt lắm nè, hồi trước mỗi lần có tôm này má hay làm bánh ít trần "nhưn" tôm ăn hết sẩy luôn". Mọi người ồ lên: Hay mình làm thêm món đó đi, lâu quá rồi không được ăn nè!
Dĩa bánh ít trần tự làm ở nhà luôn ngon hơn ở chợ
Sau khi thống nhất, tôi lấy xe chạy ra chợ mua thêm nguyên liệu về làm, chị Hai kêu lại căn dặn: “Mua nếp sáp về ngâm rồi đem xay chứ đừng mua bột nếp bán sẵn, ăn vỏ bánh lạt nhách không ngon đâu nghen”. Tôi lè lưỡi nghĩ làm kiểu này cực à! Nhưng nể lời chị, tôi kệ nệ ôm về một bọc nếp, đổ nước vào ngâm (vì làm gấp quá nên ngâm bằng nước ấm ấm), khoảng vài tiếng đãi sạch nếp rồi đem đi xay thành bột.
Chị Hai giành làm phần làm vỏ bánh. Chị cho bột vào túi vải, cột miệng lại, dằn lên trên một tấm thớt nặng để bột rỉ bớt nước. Rồi chị đi pha một tô nước muối loãng, chừng bột ráo nước trút ra thau, dùng muỗng múc nước muối đổ từ từ vào bột nhồi đến khi nào bột thật mịn. Sau đó, chị chia bột ra thành từng phần nhỏ để sẵn trên mâm.
Trong khi đó chị Ba thì lụi hụi chuẩn bị phần nhân: Tôm lột vỏ rút chỉ đen trên lưng bằm nhỏ với một ít thịt nạc dăm; cà rốt, củ sắn lột vỏ rửa sạch xắt hạt lựu; vài tai nấm mèo ngâm nước cho nỡ bung ra rồi rửa sạch cắt nhỏ; củ hành tím, hành lá bằm nhỏ; cùng các gia vị muối, tiêu, đường, bột nêm và một muỗng cà phê nước mắm ngon. Trộn tất cả lại với nhau thành hỗn hợp, để chừng 30 phút cho thấm gia vị. Bắc chảo lên bếp cho một muỗng canh dầu ăn vào đun sôi rồi bỏ hành tỏi băm vào phi thơm, đổ hỗn hợp vào xào nhanh cho thịt săn lại rồi tắt bếp.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, mọi người ráp lại làm bánh. Lấy một phần bột đã chia sẵn, vo tròn ấn bẹp, xúc nhân đổ vào lượng vừa đủ, bọc bột kín, vo tròn lại, nhúng viên bánh qua chén dầu ăn (giúp bánh mượt mà và không dính) rồi cho lên mâm.
Bánh ít trần phải làm bằng bột nếp tự xay mới ngon
Bắc xửng nước lên bếp đun sôi, kêu tụi nhỏ chạy ra bụi chuối sau hè chặt một chót lá đem vô lau sạch, thoa chút dầu lót lên xửng rồi xếp bánh vào hấp. Chừng 10 phút, mở nắp xửng để xả hơi bớt, đậy nắp lại hấp thêm 10 phút nữa.
Khi thấy bánh trong và phình to hơn là đã chín tới. Khi ấy, tôi cũng hoàn thành tô nước mắm pha thật nhạt có vị chua ngọt, hủ cà rốt ngâm giấm đường và chén mỡ hành xanh rì.
Xếp bánh lên dĩa, quết mỡ hành lên cùng vài sợi cà rốt ngâm chua ngọt, chan một ít nước mắm lên là có ngay một dĩa bánh ít trần ngon khó cưỡng.
Nước mắm ăn với bánh ít trần phải là nước mắm chua ngọt, pha hơi lạt một chút
Bởi bánh ít trần ăn nóng mới ngon, khi đó mới tận hưởng hết sự mềm mại dai dẻo của vỏ bánh, vị ngọt của tôm, chút béo béo thơm tho của mỡ hành quyện cùng vị chua cay của nước mắm. Nếu thấy hơi ngấy vì dầu mỡ, tôm thịt chỉ cần nhấm vài sợi dưa chua là vị giác bỗng cân bằng lại.
Ở Sài Gòn lâu lâu tôi cũng mua bánh ít trần về ăn nhưng không cảm nhận được hương vị như vậy. Có lẽ, bánh do mấy chị em tôi làm bằng các nguyên liệu tự nhiên ở miền quê và được ăn trong sự xúm xít đoàn tụ của đại gia đình nên nó mới ngon như vậy.
Chị hai cười nói: "Bánh làm như vầy mới đúng vị hồi xưa má làm nè. Kệ, chịu khó một chút mà ăn thật là đáng!”.
Theo Nld.com.vn