Quảng Châu là tỉnh nằm ở phía Nam Trung Quốc, có khí hậu nóng ẩm, tương đối giống với khí hậu Việt Nam. Đây cũng là cái nôi của nhiều món ăn truyền thống Trung Hoa.
1. Bánh cuốn
Bánh cuốn ở Quảng Châu là món ăn lâu đời và được cả nền ẩm thực Trung Hoa yêu mến. TạiQuảng Châu, bánh cuốn xuất hiện từ lề đường, xe đẩy cho đến nhà hàng sang trọng. Nhân bánh cuốn rất đa dạng, khi thì thịt bò, thịt gà, tôm,… đa số sẽ được xào sơ với gia vị cho đậm đà. Bánh cuốn có rất nhiều cách ăn và cách chế biến, nhưng tựu chung vẫn phải đảm bảo vỏ bánh mỏng, dai mềm vừa đủ, nhân đậm vị, nước sốt mặn mòi. Một phần bánh cuốn ngon nhất định phải còn nóng hổi, bởi thế nên nhiều nhà hàng khi dọn ra cho khách vẫn đặt bánh trong chõ tre, khi ra đến bàn thì mở vung và khói tỏa ra nghi ngút. Cắn vào miếng bánh như vậy, bạn sẽ cảm thấy được cái thơm ngọt của bột gạo, vị mặn mòi của nhân. Đây cũng món ăn sáng hay ăn khuya quen thuộc của người Quảng Châu, bởi ít tinh bột, nhẹ bụng.
2. Cháo thập cẩm
Nghe qua món ăn chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng phải đến tận nơi một hàng cháo thập cẩm ở Quảng Châu mới nhận ra cái sự cầu kì và lý do vì sao bạn nhất định phải nếm thử món ăn này khi đến. Cháo thập cẩm được nấu riêng từng tô, khi khách đến gọi món, người bán sẽ múc cháo từ nồi lớn vào từng nồi nhỏ, cho thịt heo, tim, gan, cật heo… vào nồi nhỏ, đun cho sôi cháo và chín thịt rồi đổ ra bát. Do chế biến theo kiểu thủ công thế này nên mỗi bát cháo khi dọn ra đều có độ nóng hoàn hảo, từng thìa cháo ngọt lịm, các loại thịt dùng kèm đều ở độ vừa chín tới nên giữ nguyên độ vị ngọt và độ tươi.
Cháo thập cẩm khi dọn ra hay được ăn kèm với rau, đây có thể xem là một nét lạ trong việc thưởng thức cháo của người Quảng Châu, nhưng không thể phủ nhận rằng việc dùng cháo với rau làm món ăn này ngon và bớt ngấy hơn.
3. Mì Hoành thánh
Hoành thánh ở Quảng Châu là món ăn cực kì nổi tiếng với cách chế biến vô cùng cầu kỳ. Hoành thánh đạt yêu cầu phải hội đủ ba yếu tố. Thứ nhất, vỏ bột phải mỏng, mỏng như tờ giấy lụa để có thể nhìn thấy hết nhân bên trong nhưng phải dai, không được rách. Thứ hai, thịt và tôm xay trong viên hoành thánh phải tươi ngọt, nấu vừa chín tới không được nấu quá kĩ làm mất đi độ ngọt và bị khô. Nhân thịt bị khô là điểm thất bại tồi tệ của một tô hoành thánh. Thứ ba, nước dùng phải trong vắt, như nước lọc nhưng phải đậm đà vị xương ninh. Nước dùng nếu đục màu bột hay lợn cợn tiết xương đều thể hiện một tô hoành thánh cẩu thả, kém chất lượng.
Về phần mì, sợi mì phải là dạng mì vàng, sợi mảnh và có độ dai. Gắp sợi mì lên, nhất thiết phải trong trẻo, không lợn cợn đục do bột, để kéo được sợi mì ngon thì nhà làm mì phải có kĩ thuật lâu đời cùng chất lượng bột tốt. Có ăn thử mì hoành thánh ở Quảng Châu, mới thật sự thấy được sự tinh túy và hoàn hảo của món ăn này.
4. Đầu vịt sốt ngũ vị
Đầu vịt những tưởng là phần xương xẩu, khó ăn, ấy vậy mà ở Quảng Châu nó lại là món ăn rất được ưa chuộng. Cái ngon của đầu vịt chính là những kẽ thịt ngọt ở phần xương xẩu ấy và các phần như óc, lưỡi… Tất cả đều có vị hấp dẫn khó tả. Để chế biến món này, người đầu bếp phải chiên đầu vịt trong chảo dầu với nhiều gừng cho chín. Sau đó, xóc đầu vịt với hỗn hợp nước tương và nhiều loại thảo mộc, trái cây. Đầu vịt sốt ngũ vị rất kích thích vị giác bởi độ mặn, cay, chua, ngọt hòa quyện. Món ăn đa số được dùng như món nhắm, món ăn vặt.
5. Bánh khoai môn chiên giòn
Món ăn có tên Yujiao, có hình dáng như một chiếc tổ ong với hình khối bầu dục, bao bên ngoài là vỏ khoai môn giòn tan. Vỏ khoai môn làm bằng cách bào khoai ra thành dạng sợi thật nhuyễn rồi bao lấy nhân, thế nên sau khi chiên, vỏ ngoài có dáng vẻ xù xì lỗ rỗ, cắn vào giòn tan rất hấp dẫn. Nhân bánh là hỗn hợp thịt heo, tôm, nấm mèo đen và trứng. Chiếc bánh ngon phải đảm bảo được sự giòn tan ở phần vỏ bánh nhưng trong thì mềm bùi đúng kiểu khoai môn, phần nhân thịt đậm đà, chín tới. Bánh khoai môn chiên giòn là món ăn vặt nổi tiếng của Quảng Châu. Bởi thế nếu có dịp ghé thành phố này mà không nếm thử món bánh khoai môn chiên giòn thì quả là một điều đáng tiếc.
Mask online