Đêm bán kết thứ hai của chương trình truyền hình thực tế Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s Got Talent đã đáp trả sự phê phán “tài năng Việt chỉ biết hát tiếng Anh” bằng hàng loạt các ca khúc Việt, được trình diễn khá mộc mạc. Tuy nhiên, cho đến đêm bán kết hai này, “tài năng” vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, nếu không muốn nói là thiếu lòng tin trong việc tìm thấy.
Một trong những yếu tố khiến format Got Talent sinh động và thú vị hơn nhiều chương trình truyền hình thực tế khác là sự đa dạng về thể loại dự thi. Tại đây, thí sinh có thể trổ tài ca hát, ảo thuật, múa lẫn diễn kịch... Tuy nhiên, đây cũng là điểm “chết” nguy hiểm của chương trình vì sẽ không có điểm nhấn để nhận diện rõ “tài năng”, khi mà hầu hết các đêm thi, tiết mục dàn trải quá rộng trên nhiều lĩnh vực. Điều này cũng gây khó khăn cho giám khảo khi phải bao quát hết các lĩnh vực để đưa ra những nhận xét vừa chính xác vừa kích gợi tâm lý khán giả.
Thí sinh Vũ Song Vũ tại đêm thi ngày 11/3. Ảnh: C.H
Ngoài ra, sự hỗ trợ tập luyện về chuyên môn theo từng đêm thi – điều từng được thấy ở VN Idol, VN Next Top Model... không có tác dụng lắm trong chương trình này. Hiện tại, người đảm nhận công việc này cho VN Got Talentlà nhạc sĩ Đức Trí và biên đạo John Huy Trần, nhưng hiển nhiên hai gương mặt này không thể nào hỗ trợ được các thí sinh dự thi ở lĩnh vực diễn kịch, ảo thuật...
Có thể nói, những điểm chết nguy hiểm từ format đã được nhìn thấy ở VN Got Talent. Sau vòng loại được cho là chẳng khác gì “sơn đông mãi võ”, các tiết mục ở vòng bán kết có vẻ khá hơn, tuy nhiên vẫn chưa cho thấy về một khả năng sẽ xuất hiện tài năng đúng nghĩa nào. Nếu như ở đêm bán kết thứ nhất, Võ Trọng Phúc để lại dấu ấn về một gương mặt nam tính và giọng hát cảm xúc mà showbiz Việt đang thiếu, thì ở đêm bán kết thứ hai mọi sự cổ vũ dành hết cho Vũ Song Vũ – cậu bé 12 tuối từng làm mưa làm gió trong cộng đồng mạng với giọng hát trong vắt nhưng đầy xúc cảm. Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm nhấn mà chỉ là điểm gợn trên một tổng thể khá nhạt nhòa, chưa đủ sức tạo sự bùng nổ hay gợi dậy một sự tin tưởng về tài năng.
Thực tế, nếu ai đã từng có mặt trực tiếp tại những buổi ghi hình ở vòng bán kết sẽ không khỏi cảm thấy tiếc nuối khi chất lượng các tiết mục, các giọng hát tốt hơn rất nhiều so với khi xem qua truyền hình. Đó là chưa kể việc ghi hình thường xuyên phải dừng lại giữa chừng vì lý do kỹ thuật, khiến thí sinh phải lặp đi lặp lại phần thi của mình trong mệt mỏi và không ít chán nản. Điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng thật của các tiết mục, làm thay đổi không ít cái nhìn của khán giả về “tài năng” của chương trình.
Còn 10 buổi thi nữa để biết 14 gương mặt nào sẽ vào vòng chung kết, vì thế, vẫn còn khá sớm để khẳng định chương trình thành công hay thất bại. Tuy nhiên, là hành trình tìm kiếm tài năng như tên gọi của chương trình, người ta có quyền hoài nghi về tính khả thi của hành trình tìm kiếm này, với những gì đã diễn ra.
Đất Việt