Được biết tới như một vị giám khảo kỹ tính, có chuyên môn và hóm hỉnh, nhạc sĩ Quốc Trung luôn nhận được sự đánh giá cao khi ngồi trên băng ghế nóng của Vietnam Idol. Nhưng với cách hành xử kỳ quặc, thậm chí là kém văn hóa của mình trong đêm thi vừa qua, anh đã khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên và khó hiểu.
Vietnam Idol luôn là cuộc đua song hành của tài năng và thảm họa. 3 mùa liên tiếp ngồi ghế nóng, hẳn Quốc Trung biết rõ điều này hơn aihết. Tất nhiên, không ai đánh giá cao những thảm họa của chương trình, nhưng dành cho họ một sự tôn trọng nhất định là điều gần như bắt buộc, ít nhất là đối với những người làm công việc cầm cân nảy mực. Có thể vui đùa, có thể tếu táo hoặc chê bai, nhưng làm cho thí sinh phẫn nộ và giận dữ vì bị coi thường, đó hẳn không phải là việc một vị giám khảo nên làm.
Ban giám khảo Vietnam Idol luôn được gọi với cái tên: Bộ ba quyền lực
Tiết mục biểu diễn của Trịnh Quốc Nam không hay, thậm chí là dở tệ. Nhưng ít ra, nó cũng chưa tới mức được gọi là "thảm họa" như một số màn trình diễn từng xuất hiện cách đó không lâu. Giọng hát cũng như cách biểu diễn của anh thợ cắt tóc đến từ Vũng Tàu chưa thể khiến người nghe phải bịt tai bỏ chạy hoặc ôm bụng cười bò, dù nó chỉ đáng được liệt vào dạng trung bình tại các quán karaoke. Tuy nhiên, thảm họa vẫn cứ diễn ra và Trịnh Quốc Nam lại không phải là nguyên nhân chính. Vị giám khảo Quốc Trung và cách ứng xử của mình mới xứng đáng được gọi là thảm họa.
Không khó khăn để nhận thấy Trịnh Quốc Nam đến với Vietnam Idol bằng tất cả sự khát khao và nghiêm túc. Đây cũng là điểm chung thường gặp ở tất cả các thí sinh ấp ủ giấc mơ trở thành thần tượng âm nhạc Việt. Dẫu rằng điều đó không thể giúp họ tỏa sáng trên sân khấu thì ít nhất, nó cũng có thể đem lại được phần nào sự tôn trọng, những lời chỉ dạy của những nghệ sĩ lớn đang ngồi trên băng ghế giám khảo cuộc thi.
Thể hiện có phần không thành công trong bài hát đầu tiên, thí sinh đến từ Vũng Tàu đã phải nhận cái xua tay ngán ngẩm của nhạc sĩ Quốc Trung với hàm ý: "Đã quá đủ rồi". Không bỏ cuộc, chàng trai năn nỉ: "Cho em hát thêm một bài nữa có được không? Em đã phải chờ tới 6 năm rồi...".
Đây mới là hình ảnh phản cảm nhất của Vietnam Idol, hơn bất kỳ một thảm họa nào từng xuất hiện
Dẫu vậy, lời năn nỉ của Trịnh Quốc Nam vẫn không thể làm nhạc sĩ Quốc Trung thay đổi quyết định của mình. Anh liên tục lắc đầu từ chối trước đề nghị được hát tiếp và tới khi Quốc Nam dợt những nốt đầu tiên của Người đàn bà hóa đá, vị giám khảo nhạc sĩ đã khiến cả thí sinh và không ít khán giả xem truyền hình "hóa đá" bằng cách đứng dậy, ngao ngán đi thẳng ra ngoài. Hành động bất ngờ và khiếm nhã đó hệt như một gáo nước lạnh dội thẳng vào lòng nhiệt tình của chàng thí sinh mơ mộng. Tuy nhiên, Trịnh Quốc Nam vẫn hát. Và hát trọn vẹn hết bài.
Trịnh Quốc Nam vẫn tiếp tục hát, bất chấp sự đả kích rất lớn tới từ hành động của Quốc Trung.
Có lẽ, anh không muốn thể hiện cách ứng xử thiếu văn hóa và tôn trọng người khác,
bởi Mỹ Tâm vẫn đang ở dưới lắng nghe.
Khó lòng lý giải cho hành vi và cách ứng xử của Quốc Trung trong hoàn cảnh đó. 6 năm trời chờ đợi để được hát của một thí sinh không có giá trị để anh "ban phát" cho họ một cơ hội ngồi nghe, hoặc thậm chí là ngồi chống cằm ngủ gật trong vài phút? Chắc là không phải. Bởi người nghệ sĩ nổi tiếng tới đâu, họ vẫn chỉ là con người hết sức bình thường. Vài phút vốn không phải một quãng thời gian quá dài và quý giá, nhất là khi đem nó so sánh với cơ hội được sống với niềm mơ ước, đam mê của một chàng trai trẻ.
Còn một lý do khác: bởi tai nhạc của anh không thể chấp nhận thứ âm nhạc mà Trịnh Quốc Nam trình diễn? Cũng không phải nốt. Rất nhiều lần trên ghế giám khảo của mình, Quốc Trung đã ngồi gật gù, thậm chí là cười sảng khoái trước những tiết mục thảm họa thật sự của chương trình. Điều này chứng tỏ sức chịu đựng của anh không hề kém cỏi như những gì anh thể hiện trong đêm diễn tối qua.
Có lẽ chỉ có điều duy nhất lý giải được hành động khó hiểu của Quốc Trung: sự coi thường. Coi thường khán giả hay coi thường thí sinh, những điều đó không ai dám chắc. Nhưng coi thường chính chiếc ghế giám khảo của mình - như cách Trịnh Quốc Nam cay đắng nói - thì lại hoàn toàn đúng. Nếu chiếc ghế anh ngồi là salon ở nhà, ghế nhựa ngoài quán cafe hay bất cứ nơi nào khác, chẳng ai có quyền chỉ trích anh. Nhưng khi anh đang ngồi trên chiếc ghế giám khảo, hành động ấy không thể nào chấp nhận.
Ở bên trong phòng kín, nhạc sĩ Quốc Trung liệu có nhìn thấy ánh mắt này?
Ở vị trí đó, Quốc Trung có quyền phán xét tài năng, khao khát, ước mơ của thí sinh, nhưng làm tổn thương họ thì không. Cách anh quay lưng lại với nhiệt huyết của một chàng trai trẻ hoàn toàn không tương xứng với chiếc ghế anh đang ngồi cũng như danh tiếng anh sở hữu. Có rất nhiều cách để nói lời từ chối, nhưng anh lại chọn giải pháp nghiệt ngã và tàn nhẫn nhất. Cho cả thí sinh và chính bản thân anh...
Thông thường, những nghệ sĩ lớn ngồi trên ghế giám khảo sẽ là người cho thí sinh những lời khuyên răn, chỉ bảo. Dù những lời khuyên đó có giá trị hay không giá trị, nó cũng là một sự khích lệ rất lớn về mặt tinh thần cho các thí sinh. Có điều, trong đêm diễn tối qua, vai trò người chỉ dạy đã bị đổi ngược hoàn toàn.
Khi Trịnh Quốc Nam nỗ lực thể hiện trọn vẹn bài hát của mình bất chấp việc chỉ có duy nhất Mỹ Tâm chăm chú lắng nghe, bất chấp một vị giám khảo đáng kính bỏ ra ngoài, vị còn lại xoay lưng lại, một bài học lớn có lẽ đã được gửi tới cho những người nổi tiếng: bài học về cách ứng xử có văn hóa và sự tôn trọng người khác của anh chàng cắt tóc!
Xzone