EDM hay Electronic Dance Music là tên gọi chung của dòng nhạc điện tử bao gồm nhiều thể loại phổ biến như House, Techno, Trance... cho đến thể loại mới thịnh hành như Dubstep hay Trapstep. EDM được khai sinh tại Mỹ vào năm 1970 nhưng lan rộng và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu.
Nhạc EDM với tính chất sôi động và trẻ trung được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt và quảng bá rộng rãi. Các đại nhạc hội ngoài trời thu hút hàng trăm nghìn người tham gia như Love Parade được tổ chức tại Đức hay lễ hội của ID&T tại Hà Lan.
Tuy nhiên trong giai đoạn đầu phát triển, EDM vẫn chưa được coi là một thể loại âm nhạc chính thống và thường bị đánh đồng với dòng nhạc Underground.
Mãi những năm gần đây, khi EDM được các công ty tổ chức sự kiện để mắt cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, dòng nhạc này mới thoát khỏi mác Undergound.
Các lễ hội âm nhạc điện tử dần trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều hơn trên thông tin đại chúng. Thậm chí, người hâm mộ có thể xem trực tiếp qua Youtube phần trình diễn của nhiều nghệ sĩ trên nhiều sân khấu khác nhau.
Nắm được xu hướng này, những nhà tổ chức đã mang lễ hội nhạc điện tử đi khắp thế giới. Mục tiêu đầu tiên là đưa EDM trở về với chính quê hương của nó tại thị trường Mỹ.
Sau khi tung hoành tại các thị trường châu Âu và Mỹ, cơn sốt EDM đang nhắm tới
những thị trường mới nổi tại châu Á như Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cùng với việc mở rộng thị trường, các công ty tổ chức còn có những thay đổi khác nhau để phù hợp hơn với thị trường mới như: Festival UMF được kéo dài lên thành 3 ngày, thương hiệu TomorrowLand được đổi tên thành TomorrowWorld để tăng tính quảng bá, Ultra Music Festival vươn tới châu Á và châu Phi bằng một loạt festival diễn ra tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Croatia và Nam Phi...
Tại Việt Nam, EDM là một mảnh đất màu mỡ khi 10 năm trở về trước người nghe chỉ mới bắt đầu cập nhật những xu hướng âm nhạc mới qua Youtube hay mạng xã hội. Thậm chí EDM chỉ được coi là một thể loại âm nhạc dành riêng cho quán bar, vũ trường.
Trong những năm gần đây khi EDM trở thành một làn sóng mạnh mẽ với nhiều thể loại mới bắt kịp xu hướng thế giới như Progressive House, Dubstep, Trap step, Trance, Techno... đã góp phần đánh bật ngôi vị quán quân của Vinahouse trong suốt nhiều năm.
Điều này là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc người nghe đã có gu thẩm mỹ âm nhạc tốt hơn, theo hướng có chọn lọc chứ không chỉ dừng lại ở mức phong trào như trước đây.
Sự thay đổi thị hiếu của người nghe cũng kéo theo sự phát triển của một loạt những cái tên mới trong làng EDM Việt như Touliver, SlimV, 3D, Phareal Phương... với kỹ thuật được đào tạo bài bản cũng như cập nhật rất nhanh theo xu hướng EDM quốc tế.
Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ khi nhu cầu của người hâm mộ EDM ngày càng lớn. Họ mong muốn được thưởng thức âm nhạc mang đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam chứ không phải cất công tới những lễ hội âm nhạc nước ngoài.
Chính vì vậy đã mở ra một cánh cửa lớn cho những nhà tổ chức đưa những DJ tên tuổi đến với khán giả Việt.
Đầu tiên phải kể đến lễ hội âm nhạc Heineken Countdown thường niên được tổ chức hàng năm với những DJ trong top 100 thế giới như Tenisa, Drew Tudose... đã mang đến làn gió mới cho người hâm mộ nhạc điện tử tại Việt Nam.
Steve Aoki là một trong nhưng DJ tầm cỡ đầu tiên của thế giới đến Việt Nam.
Tiếp theo đó là hàng loạt những DJ nổi tiếng khác trong top đầu DJ Mag bình chọn lần lượt đến Việt Nam là Steve Aoki vào năm 2013. Sau đó là Hardwell với liveshow I Am Hardwell vào năm 2014.
Live show I Am Hardwell tại Việt Nam là điểm nhấn đáng nhớ
với người hâm mộ EDM trong năm 2014.
Năm 2015 là một bữa tiệc âm nhạc thực sự cho khán giả Việt với lần ghé thăm của DJ kiêm nhà sản xuất âm nhạc tài ba Zedd, phù thủy Dubstep Skrillex, DJ Dryo, 2 anh em nhà Vinai, lần trở lại thứ 2 của huyền thoại Tiësto, ông hoàng nhạc Trance Armin Van Buuren và cặp đôi DJ số 1 thế giới - Dimitri Vegas và Like Mike.
Cuối năm 2015 là một loạt lễ hội lớn với sự góp mặt của nhiều DJ đình đám
đang chờ đợi người hâm mộ Việt.
Để làm được điều này phải kể đến công sức không nhỏ của những nhà tổ chức như Golden Times, South East, Z , Connected Agency, Dynamic Life... trong thời gian qua đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc để đem tới cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc đẳng cấp nhất.
Điều này cũng là cuộc chơi mạo hiểm với các nhà tổ chức lớn bởi ngoài việc đáp ứng đủ các yếu tố về âm thanh, ánh sáng, sân khấu và điều kiện ăn ở của các DJ, các công ty này còn phải chịu khá nhiều rủi ro về hủy hợp đồng bất khả kháng hay doanh thu không đủ chi trả cát xê. Đó cũng là lý do khiến khá nhiều đơn vị chết yểu chỉ sau 1 sự kiện.
Tuy nhiên, nhìn lại vài thị trường EDM sôi động tại Việt Nam những năm vừa qua có thể nói rằng mảnh đất hình chữ S đang dần trở thành 1 điểm đến hấp dẫn với nhiều DJ trên thế giới.
Và rất có thể trong tương lại không xa sẽ có những đại nhạc hội lớn như Ultra Music hay Tomorrow Land được đem tới Việt Nam.
Theo Zing.vn