Tìm điểm mạnh hạ gục huấn luyện viên
Chưa phải là một cuộc thi có tính chất đối mặt trực tiếp, cũng chưa vào một format phải hát theo phong cách gì, thể loại gì, nhạc gì… vì thế, vòng Giấu mặt là cơ hội duy nhất để các thí sinh thể hiện 1 lần trên sân khấu toàn bộ nội lực cũng như chất giọng của mình.
Khi chinh phục tai nghe ban giám khảo là điều tiên quyết, thì việc chọn hát tiếng Anh hay Việt đã không còn trở nên quan trọng. Nhất là khi, hát tiếng Việt còn nhiều thách thức về chênh phô, về sự văn minh khi chọn bài, thì một ca khúc quốc tế, dù cũ hay mới, dù của diva dòng nhạc nào… cũng trở nên phổ cập thị hiếu và dễ lôi cuốn tai nghe hơn cả.
Các giọng ca The Voice gây sốt đều chinh phục huấn luyện viên
bằng ca khúc tiếng Anh
The Voice đã kết thúc vòng Giấu mặt với sự vượt trội bất ngờ về ca khúc quốc tế trên sàn diễn. Ngay cả những “chiến binh siêu hạng” (cách gọi những thí sinh nặng ký nhất ở vòng Giấu mặt) cũng chọn ca khúc quốc tế để làm bàn đạp cho giọng hát của mình như Hương Tràm, Xuân Nghi, Diễm My, Thái Trinh, Thu Thủy, Bảo Anh, Thiều Bảo Trang, Tiêu Châu Như Quỳnh, Đồng Lan, Thanh Hằng…
Cho tới nay, số thí sinh chọn ca khúc Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và trong số đó, những cái tên được nhấn nút chọn khi hát ca khúc Việt cũng mới chỉ được vài cái tên nổi bật ở The Voice như Hà Văn Đông với “Tâm hồn của đá” (đội Trần Lập), Đỗ Xuân Sơn với “Đường về xa xôi” (đội Thu Minh), Bùi Anh Tuấn với “Nơi tình yêu bắt đầu” (đội Hồ Ngọc Hà)…
Hát nhạc nước ngoài: lựa chọn khôn ngoan?
Có quá nhiều thí sinh dự thi The Voice là những cái tên từng nổi danh trên cộng đồng mạng hay trưởng thành từ các cuộc thi ca hát chuyên nghiệp như Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình, Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol…
Thiều Bảo Trang nổi lên từ cuộc thi Vietnam Idol. Đồng Lan, nữ tác giả từng đoạt giải nhất bài hát tháng của Bài hát Việt với ca khúc “Sợ chết” chọn cho mình một ca khúc tiếng Pháp. Tiêu Châu Như Quỳnh, Bùi Anh Tuấn từng giành giải Nhất Ngôi sao tiếng hát Truyền hình, Hương Tràm được biết tới từ cuộc thi Sao Mai, Thái Trinh nổi như cồn trên cộng đồng mạng từ ca khúc “The Show” cover lại của Lenka.
Với những cuộc thi đòi hỏi phải khẳng định tên tuổi bằng những ca khúc Việt với các đêm phong cách khác nhau, cớ gì mà họ lại chối bỏ tiếng mẹ đẻ khi đến với The Voice.
Xin hãy rộng lượng cho các thí sinh khi họ chỉ có một cơ hội duy nhất đứng trên sân khấu và chinh phục bằng giọng hát chứ không phải bằng phong cách, bằng ngoại hình bắt mắt, bằng một gương mặt quen thuộc…
Vì thế, hát tiếng Việt có quá nhiều nguy hiểm như dễ bị vấp thần tượng, khó chinh phục các đỉnh cao của 4 huấn luyện viên. Hát lại những ca khúc họ từng thành công, thì đó là một bước đi vô cùng mạo hiểm. Nhưng hát những bài hát không thuộc phong cách của họ, giống một ca sĩ nào đó, thì còn nguy hiểm hơn. Vì các huấn luyện viên, sẽ chịu nhiều áp lực khi bấm chuông, khi phải chọn lựa một giọng ca hợp với “chất” của mình. Họ sẽ lung lay nếu như họ phát hiện ra, cái chất ấy na ná giọng ca nào đó.
Tiếc cho giọng ca của Bùi Hà Phương với ca khúc "Mùa đông sẽ qua"
đầy kỹ thuật
Như trường hợp cô gái hát vô cùng quyến rũ ở tập 1 là một điển hình. “Mùa đông sẽ qua” với phần trình diễn của thí sinh Bùi Hà Phương rất tiếc bị 4 huấn luyện viên bỏ qua. Sở hữu một chất giọng khá tốt, tinh tế trong xử lý và lạ nhưng cô gái chọn ca khúc tiếng Việt này lại không hợp gu của 4 vị huấn luyện viên. Cũng giống Hà Phương, cô gái khuyết tật Phương Dung cũng mang lại đầy tiếc nuối khi cô chọn một ca khúc tiếng Việt “Nơi thời gian ngừng lại” để thể hiện. Chất giọng truyền cảm, nồng nàn cảm xúc của Phương Dung thiếu cái sự lạ, thiếu cái bốc lửa, điểm nhấn để mời gọi các vị giám khảo.
Ngược lại, nhiều thí sinh, chọn ca khúc tiếng Anh dù hát chưa thật sự tốt và phát âm chưa chuẩn như Diễm My, Bảo Anh… vẫn vượt vũ môn an toàn bởi chính sự liều lĩnh và sự bốc lửa trong cách hát của họ.
Âm nhạc không phân biệt ngôn ngữ. Và vì thế, một cuộc thi tìm kiếm giọng hát Việt, cũng khó trách các thí sinh chọn ca khúc tiếng Anh hay Pháp để đánh gục các huấn luyện viên.
VnMedia