- Ông có theo dõi The Voice (Giọng hát Việt) và những scandal xung quang chương trình này như vụ lộ clip dàn xếp kết quả không? Ông có quan điểm, thái độ và tiếp nhận sự kiện đó như thế nào?
Chương trình truyền hình thực tế này đã gặp sóng gió ngay từ khi xuất hiện khi buổi đầu tiên đã tạo ấn tượng tốt cho khán giả qua việc các HLV đã chọn lựa 56 giọng ca xuất sắc nên đã kỳ vọng đây là cuộc thi thực sự với tìm kiếm giọng hát Việt.
Nhưng vào vòng Đối đầu sau đó, khán giả ngay lập tức hoang mang và thất vọng về khả năng cảm nhận và đánh giá của các huấn luyện viên khi thấy những giọng ca vượt trội đã bị họ loại ra mà chỉ chọn những thí sinh có gương mặt đẹp, những tên tuổi đang có một lượng fan đáng kể.
The Voice phiên bản Việt đang đi đến hồi kết
Các HLV của chương trình là những “ca sỹ tay ngang” nổi tiếng trong dòng nhạc thị trường, có lượng fan hâm mộ cao, có thừa tự tin khi tự xưng là “ông hoàng”, “nữ hoàng” và “thông kim bác cổ”, “rất giỏi chữ nghĩa, chẳng sợ gì ai”.
Vì quá tự tin nên họ không ngại ngần phủ nhận lẫn nhau hay dùng các tiểu xảo để mời chào, hứa hẹn hỗ trợ để giành giật các thí sinh tốt, có tiềm năng về tay mình.
Cái sự tự tin của họ thể hiện ở việc họ tự coi mình là những siêu nhân có khả năng đào tạo biến các thí sinh của họ thành những “truyền nhân” kiểu “Taylor Swift Việt Nam” hoặc Bằng Kiều khiến tôi nhớ đến câu chuyện những con gà kỳ lạ ở vùng kia thấy bất kể cái gì tròn tròn, trắng trắng dù đó là trứng rắn, quả bóng bàn dập, trứng gà ung, trứng thằn lằn… là nằm xuống xoè cánh ấp, hy vọng từ đó sẽ nở ra những con gà nòi.
Tôi tiếp nhận nó một cách bình tĩnh vì đã xác định “Không thảm hoạ không là chương trình thực tế”. Chỉ buồn là tại sao các nhà quản lý văn hoá không dẹp được các loại thảm hoạ đó.
- Cá nhân ông thấy The Voice là một chương trình thế nào? Nó có hàm lượng nghệ thuật đến đâu thưa ông?
Tôi nghĩ chương trình nhiều người xem chưa chắc đã là hay. Được bỏ phiếu nhiều cũng vậy. Chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt” vừa qua có cô thí sinh được BGK khen hát hay nhất lại bị ít phiếu bình chọn nhất, cậu bị chê nhất lại nhiều phiếu.
Quả sầu riêng có người chê thối nhưng có những người nghiện, bán khá đắt. Nhiều người thoáng nhìn thấy mắm tôm đã bịt mũi nhưng không ít người lại say mê thưởng thức nó. Nói như vậy để thấy khán giả quá đa dạng và phức tạp. Ngay trong một gia đình mà nhiều khi cũng có ý kiến trái chiều về một chương trình đấy thôi.
- Theo dõi The Voice, ông thấy chương trình này có đáng được ca ngợi không?
Không. Vì đáng ca ngợi phải là mẫu mực nhưng tôi không thấy bản sắc và tâm tình người Việt ở trong đó mà như đang xem một chương trình nghệ thuật của một nước rất sùng ngoại.
Không có trong đó những bài dân ca như Ngồi tựa mạn thuyền, Người ơi, người ở đừng về, những bài ca không bao giờ quên như “Quảng Bình quê ta ơi, Mùa xuân đầu tiên, Xa khơi nói về người Việt, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống cha ông, mà mỗi khi nghe những người thế hệ chúng tôi như bị lên đồng. Lấn át chương trình là những bài hát của nước ngoài (mặc dù có phụ đề), những người dốt ngoại ngữ như tôi chịu không đánh giá được
Cuộc họp báo lịch sử của The Voice
- Từng là người đứng trong cương vị quản lý văn hoá, ông thấy sao về cung cách làm ăn của các nhà sản xuất chương trình thực tế ở Việt Nam như Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất The Voice? Ông thấy công ty Cát Tiên Sa có khéo sắp đặt không khi mà chương trình của họ làm luôn gây loạn dư luận bằng những chiêu trò, như ở The Voice?
Xin trích dẫn lại mà không bình luận về lời phát biểu của nhạc sỹ Ngọc Đại về ông tiến sĩ Nghệ thuật - Giám đốc Công ty Cát tiên sa, đơn vị sản xuất chương trình: “Cái tay giám đốc con buôn không thể làm được nghệ thuật, giờ vẫn là con buôn, mãi mãi chỉ là con buôn, buôn nghệ thuật”.
Cũng xin không bình luận về những lời nhận xét của các nghệ sĩ về ông “Tiến sỹ khai thác chương trình giải trí nước ngoài” này, nhưng chỉ qua các scandal của các chương trình “Bước nhảy hoàn vũ”, Cặp đôi hoàn hảo” và “The Voice” này khán giả cũng đủ biết tài và tâm của ông ta đến mức nào.
- Nhưng chương trình truyền hình thực tế như The Voice cần có kịch bản, chiêu trò, công thức để thu hút khán giả nhưng đâu là giới hạn cần thiết cho những chiêu trò đó? Ông có sự chia sẻ nào với các khán giả bình thường khác khi đón nhận một chương trình truyền hình thực tế? Khán giả có nên kỳ vọng quá nhiều rồi dẫn đến thất vọng vào những chương trình này hay không?
The Voice vẫn không thoát khỏi cái bóng của các chương trình truyền hình thực tế đã và đang tồn tại trên sóng truyền hình, đó là mua bản quyền của nước ngoài, nhưng khi vào Việt Nam thì đã được lái theo kiểu khác bằng việc đạo diễn luôn tạo ra các cú “sốc” chuyện bé xé ra to: Những vụ “tố” nhau giữa giám khảo và thí sinh, thí sinh và Ban Tổ chức, giữa khán giả và BGK, cho MC chọc cười nhảm nhí, luôn quảng cáo giải thưởng cao cho khán giả bình chọn để người ta chú ý, thậm chí trở thành “con nghiện” nhắn tin của chương trình.
Nhưng tôi vẫn tin rằng cái chiêu trò “chân dài thích dệt thị phi” ấy sớm muộn cũng sẽ bị các khán giả chân chính tẩy chay khi họ quá hiểu: Vết thương dưới biển làm thành viên ngọc trai. Vết chém ở thân cây làm nên trầm hương. Nhưng không phải vết thương nào cũng làm nên ngọc vết chém nào cũng tạo nên trầm. Trai nào mới cho ngọc chứ trai đồng mấy kiếp cũng không cho. Cây cho trầm ở những nơi rừng sâu núi đỏ chứ phượng, bằng lăng, hoa sữa vỉa hè thì dù cắt cụt xuống tận gốc cũng sẽ chẳng cho trầm.
- Ông thấy sao về chuyện các nhà sản xuất chương trình thực tế như Cát Tiên Sa đặt lợi nhuận lên hàng đầu để rồi biến chương trình thành một mớ hỗn độn những scandal, chiêu trò lừa lọc công chúng?
Dân kêu nhiều về các chương trình như thế này rồi. Không hiểu có đến tai Ban Tuyên giáo trung ương hay không? Họ nói rằng VTV3 là kênh giải trí. Đã có các kênh kia nghiêm túc rồi thì phải cho kênh này “đùa” vui chứ.
Nhưng họ đã không hiểu cái việc đùa của họ đã vượt quá giới hạn, “quá mù ra mưa” làm nhiễu loạn các chuẩn mực nghệ thuật. Bộ VHTTDL soạn thảo hết nghị định này đến nghị định khác về Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức hết cuộc họp này đến cuộc họp khác về “Nâng cao tính thẩm mỹ trong biểu diễn nghệ thuật” nhưng một số chương trình kém chất lượng của VTV3 đã thọc dao vào lưng các nghị định đó khi cho các “nghệ sỹ” ăn mặc phản cảm lên sóng.
- Những chiêu trò, scandal xảy ra trong The Voice cũng như các chương trình thực tế khác, hiện nay khá trơ trẽn, bị lên án nhiều rồi nhưng tại sao vẫn tồn tại?
Tôi nghe nói, đơn vị sản xuất - Công ty Cát Tiên Sa từng "chào" The Voice lên sóng Đài PT&TH TP.HCM nhưng bị HTV từ chối, chấp nhận mất cả tỉ đồng doanh thu từ quảng cáo để giữ thương hiệu của nhà đài với tư cách là đơn vị truyền thông có nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ cho khán giả.
Nhưng thế mà VTV lại dang tay “ôm nó vào lòng”, thể hiện sự ưu ái với nó.
Vì sao? Vì Cát Tiên sa mang lại lợi cho VTV khi các chương trình của họ kéo được quảng cáo mức giá thấp nhất là 75 triệu đồng cho 10 giây và cao nhất là 180 triệu đồng cho spot 30 giây. Ngồi tung hứng cho cuộc chơi đủ trò hỉ, nộ, ái, ố lại thu được lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo cao ngất ngưởng mà lúc nào cũng có thể đá quả bóng trách nhiệm sang chân đơn vị sản xuất chương trình thì khán giả có khóc cười, phẫn nộ đối với các ông chủ VTV chỉ là chuyện vặt.
Cuối cùng thì chỉ có những người dân, những khán giả trung thành của Đài Truyền hình Việt Nam là khổ. Cứ còn liên kết với vài ông "bồ ruột" kiểu Cát Tiên sa như thế này thì VTV3 sẽ còn bắt họ phải xem không ít “Bước nhảy hoàn vũ”, “Cặp đôi hoàn hảo”, “Giọng hát Việt” và sẽ còn phải khổ dài dài khi bị những hình ảnh phản cảm, những chương trình, tiết mục giải trí chất lượng thấp kiểu “đầu voi đuôi chuột” thế này vẫn hằng ngày vào tận phòng ngủ tra tấn.
- Xin cảm ơn ông!
VTC News