Cơn sốt đậm chất kim chi đang oanh tạc thế giới trong suốt nhiều tuần vừa qua, xem ra cũng có lý do để người ta thấy rằng nó có thể là một sự mỉa mai với K-Pop, thay vì là niềm tự hào như chúng ta vẫn tưởng.
Không phẫu thuật thẩm mỹ, chân dài hay bụng sáu múi
Đúng hơn là Psy đã đứng ngoài tiêu chuẩn lấy ngoại hình làm vũ khí của K-Pop. Anh không vác cơ bắp đi tấn công nước Mỹ như Bi-Rain, cũng không mang chân dài sang chiếm Nhật như SNSD, hay sở hữu một khuông mặt đẹp như tượng đúc của hàng trăm sao Hàn khác. Ấy vậy mà người ta lại nhớ đến Psy trên toàn cầu. Ắt hẳn điều này sẽ càng làm nặng nề hơn định kiến về “máy hát” mà nhiều nghệ sĩ xứ Kim Chi bị mỉa mai, khi một bộ phận khán giả vẫn cho rằng họ được nhào nặn nên chỉ để sở hữu một ngoại hình bắt mắt và hát live không quá 10 giây một bài.
Psy không phải là một nhóm và cũng không còn teen
Trong khi tất thảy mọi công ty lớn nhỏ tại Hàn đều chú tâm vào việc sản xuất band - nhóm, và cả nền giải trí K-Pop luôn xem đó là thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, cũng đã có vài nhóm hạng A+ của Hàn thực hiện kế hoạch mở rộng sang Mỹ, thế nhưng cuối cùng khán giả lại quyết định chọn Psy. Trong khi đó Wonder Girls và SNSD dường như chỉ được xem là “những cô gái Châu Á dễ thương đang ca hát”.
Ngoài ra, lứa tuổi của Psy cũng vượt xa ngoài ngưỡng của các Idol K-Pop. Rõ ràng anh không có cái thế mạnh chiêu dụ fan trẻ nhờ đồng trang lứa, điều mà đa số sao Hàn đều sở hữu. Thế nên sự thành công của Psy ắt hẳn phải khiến một số gương mặt vừa trẻ vừa đẹp phải suy nghĩ ít nhiều.
Thành công nhờ tiếng mẹ đẻ
Trong khi các tên tuổi như SNSD, Wonder Girl, BoA, Se7en đều xem tiếng Anh là một yêu cầu bắt buộc khi muốn xâm nhập vào Mỹ thì Psy lại quyết định giữ nguyên tiếng Hàn mặc dù vốn ngoại ngữ của anh có thừa. Điều này khiến người ta phải nhìn nhận lại biên giới của âm nhạc có vẻ như không quá phụ thuộc vào mặt ngữ nghĩa ngôn từ. Một sản phẩm tốt vẫn có thể truyền đi phần thông điệp mà nó muốn theo cách hoàn toàn khác, điển hình ở đây chính là Gangnam Style.
Bên cạnh đó, việc Psy kiên quyết giữ nguyên tiếng mẹ đẻ cho Gangnam Style cũng đã làm các nghệ sĩ có thói quen “hở tí là tiếng Anh, tiếng Nhật” bị chỉ trích như tội đồ sính ngoại trong mắt người nhà.
Sự lu mờ của công ty quản lý
Những ông lớn như SM, YG, Mnet… luôn được xem là những đế chế độc tôn tại K-Pop. Bất kể là ngôi sao nào khi thành danh trên đất kim chi đều bị cộp mác là gà của một thương hiệu nào đó. Thế nhưng khi Gangnam Style bành trướng ra toàn thế giới, người ta lại thấy tiếng nói của YG vô cùng nhỏ bé. Thậm chí lợi nhuận kếch xù mà bản hit này mang về cũng được chia tỷ lệ lớn cho Psy thay vì YG. Điều này đã phần nào cho thấy, các đế chế “ông lớn” tại K-Pop không phải lúc nào cũng uy quyền, hùng mạnh như những gì vỗn dĩ nó vẫn ra sức thể hiện từ trước đến nay.
Mọi bậc thầy vũ đạo đều phải cúi chào một điệu nhảy ngớ ngẩn
Bao năm qua, K-Pop đầu tư vào vũ đạo rất mạnh, thậm chí trình độ nhảy nhót của họ đang ngày càng lấn lướt cả mặt bằng chung của nhà US-UK. Tuy nhiên, đối với khán giả quốc tế, thì yếu tố này vẫn chưa đủ thuyết phục để họ mở rộng cửa đón chào làn sóng Kim Chi.
Trong khi bất kỳ nghệ sĩ Hàn Quốc nào cũng đều nghĩ đến việc thuê vũ sư US-UK hòng nâng cao tay nghề trước khi tấn công sang Mỹ, thì Psy lại ung dung sử dụng những động tác cực kỳ đơn giản, dễ bắt chước, thậm chí có phần ngớ ngẩn. Và một lần nữa, thành công của vũ đạo ngựa chắc chắn đã khiến không ít các tên tuổi khác trong làng giải trí cảm thấy chưng hửng.
Thành công của Gangnam Style là sự mỉa mai K-Pop?
Đây có thể nói là sản phẩm đầu tiên của K-Pop có sức lan tỏa khổng lồ trên khắp toàn cầu. Thế nhưng có vẻ như sự thành công của nó không thật sự khiến K-Pop tự hào như người ta vẫn tưởng. Tính cho đến thời điểm này, ấn tượng toàn cầu mà Gangnam Style để lại vẫn chỉ xoay quanh vũ đạo ngựa, và một MV đầy chất "tưng tửng". Hàng triệu người có thể copy các bước nhảy của Psy nhưng họ lại chẳng mảy may nhìn nhận gì về chất lượng âm nhạc của Gangnam Style nói riêng và Hàn Quốc nói chung, đơn giản đó chỉ là 1 ca khúc vui vẻ, trào phúng, nghe cho vui.
Thêm vào đó, sự thành công đột biến của Gangnam Style được nhìn nhận chủ yếu là dựa vào ăn may, gặp thời. Nó không thể tạo ra một con đường dài đưa K-Pop ra thế giới, vì ngay cả Psy cũng đang bị nghi ngờ là không bao giờ có thể tạo ra bản hit thứ 2 như vậy. Điều này cũng chỉ ra rằng, cơn sốt Gangnam Style không hề là một kết quả tốt đẹp đánh dấu việc K-Pop đã đạt đến được ngưỡng chinh phục thế giới, mà nó chỉ đơn thuần là một sản phẩm thuộc hàng sao xẹt, điều mà lịch sử đã từng có rất nhiều tiền lệ.
Vietnamnet