Khá táo bạo khi cho ra mắt liền 2 sản phẩm sản phẩm âm nhạc với số lượng phát hành khá lớn (10.000 bản), chị có nghĩ mình đã quá mạo hiểm?
- Trước khi cho ra mắt 2 sản phẩm âm nhạc này, bản thân Tân Nhàn cũng đã nghĩ đến việc thu hồi lại vốn là rất thấp. Nhưng hơn cả, với tư cách là một người nghệ sĩ, một giảng viên âm nhạc, Tân Nhàn muốn thông qua lời ca, tiếng hát của mình mang đến cho khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ thêm yêu và thích dòng nhạc có âm hưởng dân gian, truyền thống hơn.
Để chuẩn bị cho 2 sản phẩm này, Tân Nhàn đã nghiên cứu rất kỹ không chỉ dòng nhạc chính thống, bán cổ điển, mà còn quan tâm đến việc mang âm hưởng dân gian vào các ca khúc có tính tôn giáo. Đặc biệt với CD “Lạy Phật con về” vừa ra mắt có lẽ là đĩa nhạc Phật đầu tiên ở Việt Nam được đặt hàng viết gần như toàn bộ bài mới.
Tân Nhàn không nghĩ mình đã làm gì quá cao siêu, mà chỉ đơn giản muốn đem tới cho mọi người sự thanh thản, hướng con người sống chậm và yêu thương nhau hơn. Ngoài ra, Tân Nhàn còn thực hiện bộ đôi DVD và DVD karaoke có tên gọi “Giọt thời gian” gồm 11 bài hát mang âm hưởng dân gian. Đây là sản phẩm được đầu tư khá công phu và được ghi hình ở nhiều địa danh nổi tiếng trên đất nước.
Cơ duyên nào đã “dẫn lối” Tân Nhàn đến với những ca khúc rất đỗi “chân quê” đó?
- Tân Nhàn sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng từ nhỏ đã rất thích âm nhạc, đặc biệt là dân ca. Khi tốt nghiệp cấp III, Tân Nhàn thi vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội chỉ vì rất thích hát những ca khúc thuộc dòng nhạc dân gian. Học ở trường, được các thầy cô chỉ dạy và định hướng rõ cho mình phong cách nên không biết từ bao giờ các ca khúc dân gian đã gắn liền với hình ảnh của Tân Nhàn và có lẽ sẽ theo Tân Nhàn đi trọn cuộc đời.
Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, gia đình bạn đã có định hướng gì cho con trai tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật trong tương lai?
- Hai vợ chồng Tân Nhàn đều xác định để cho con mình phát triển tự nhiên. Còn việc trở thành một ca sĩ hay không thì cũng phải đợi vào thời khi cháu lớn và xem cháu có năng khiếu hay không nữa. Con đường nghệ thuật vô cùng chông gai, nếu cháu thật sự có tài thì lúc đó hai vợ chồng mới định hướng cho cháu theo nghề.
Sau khi hai vợ chồng đã trở thành “người của công chúng”, cái tết của gia đình bạn có gì thay đổi so với ngày đầu mới bỡ ngỡ vào nghề?
- Thật ra so với cuộc sống trước kia và khi đã trở thành ca sĩ, cái tết của gia đình Tân Nhàn cũng không có nhiều thay đổi. Suốt 3 năm qua, kể từ ngày lấy chồng và sinh cháu, đã thành thông lệ, cứ 27 Tết là cả nhà Tân Nhàn lại đưa nhau về quê chồng ở Quảng Ninh ăn tết.
Sau 1 năm làm việc vất vả với “hai vai”, vừa là giáo viên, vừa là ca sĩ, có lẽ đây là khoảng thời gian quý báu mà hai vợ chồng được “xả hơi” và quây quần bên gia đình. Cả hai vợ chồng cũng đều thống nhất là chỉ biểu diễn duy nhất trong chương trình đón giao thừa do tỉnh Quảng Ninh mời, và sẽ không tham gia bất cứ một show diễn nào trong mấy ngày tết. Vì theo quan niệm của bản thân thì ngày tết là thời gian để mọi người có công tác, làm ăn… từ muôn phương trở về nhà sum họp. Thế nên, ngày tết sẽ là khoảng thời gian “quý báu” để cả Tân Nhàn và Tuấn Anh dành riêng cho gia đình.
Cũng thật hạnh phúc là gia đình nhà chồng Tân Nhàn rất đông anh, chị em, nên vào những dịp đặc biệt như thế này là họ hàng lại tụ họp bên nhau rất vui vẻ và ấm cúng. Những niềm vui đó đã phần nào làm vơi đi những kỷ niệm buồn trong tuổi thơ của Tân Nhàn.
Nhớ lại hồi bé, khi còn sinh sống ở quê, nhà neo người chỉ có hai mẹ con, cứ đến Tết là Tân Nhàn lại thấy rất buồn và trống trải. Ngày tết, hai mẹ con chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Nhưng cuộc sống một mẹ, một con cũng đã phần nào giúp “trình độ” nấu nướng của Tân Nhàn tăng lên rõ rệt. Sau này, khi về nhà chồng làm “bếp trưởng”, món ăn mình làm ra bên nhà chồng ai cũng rất thích.
Xin cảm ơn chị!
Dân Việt